Phát triển GD&ĐT vùng ĐBSCL: Nhận diện khó khăn, tìm giải pháp tháo gỡ

(ABO) Hơn 10 năm qua, tình hình giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước tiến và đạt những kết quả quan trọng, về cơ bản đã thoát khỏi vùng trũng về GD-ĐT. Tuy nhiên, sự nghiệp GD-ĐT của các tỉnh, thành trong khu vực hiện cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất định, cần tìm giải pháp tháo gỡ. Để hiểu rõ hơn về tình hình GD-ĐT của một số địa phương trong khu vực, Báo Ấp Bắc lược ghi về vấn đề này tại Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức ngày 27-2.

* GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH KIÊN GIANG TRẦN QUANG BẢO: Tập trung xóa điểm lẻ, kiên cố hóa cơ sở vật chất trường lớp

Toàn tỉnh hiện có 621 đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó trường hạng 2 và hạng 3 chiếm gần 70%, chủ yếu là trường tiểu học và trường THCS. Hệ thống trường, lớp học được phân bổ khắp các vùng; các điểm trường lẻ cũng phát triển theo nhằm đáp ứng công tác huy động học sinh đến trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên ở nơi đây chỉ mới đáp ứng được cơ bản cho công tác dạy và học.

Sau 5 năm, qua sắp xếp các cơ sở giáo dục trực thuộc UBND cấp huyện quản lý, tỉnh Kiên Giang đã giảm được 40 trường do sáp nhập trường có quy mô nhỏ, giảm 521 điểm lẻ, giảm 525 nhóm/lớp; tăng 2 trường mầm non; tăng 3.828 học sinh các cấp học.

Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang Trần Quang Bảo phát biểu tại hội nghị.

Ngành GD-ĐT Kiên Giang cũng gặp không ít khó khăn như việc mở rộng quỹ đất để phát triển các trường trên địa bàn phường, thị trấn gặp không ít khó khăn trong việc bồi hoàn, thu hồi đất để xây dựng bổ sung phòng học đảm bảo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia do kinh phí lớn, không có khả năng mở rộng.

Một thời gian dài thực hiện chủ trương tách từng cấp học ra riêng nên phát sinh nhiều trường nhỏ lẻ, nay sáp nhập thành trường phổ thông có nhiều cấp học, tăng quy mô nên gặp nhiều khó khăn; trong sắp xếp trường lớp, bố trí lại tỷ lệ học sinh/lớp phát sinh dôi dư giáo viên, nhân viên nhưng thiếu quyết liệt trong giải quyết đầu ra...

Dự kiến đến năm 2025 và 2030, tỉnh Kiên Giang sẽ sắp xếp lại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm số lượng các trường có quy mô nhỏ, điểm lẻ; tăng số trường mầm non và trường phổ thông có nhiều cấp học để tiếp tục thực hiện đạt mục tiêu và hiệu quả đề ra.

* PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH CÀ MAU NGUYỄN MINH LUÂN: Triển khai ba đề án lớn tháo gỡ khó khăn cho GD-ĐT

Trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã chủ động triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Hiện GD-ĐT tỉnh Cà Mau gặp một số khó khăn nhất định, chủ yếu tập trung thiếu cơ sở vật chất trường lớp, thiếu đội ngũ thầy cô giáo, hiện còn đang trống 1.500 biên chế và cái thiếu nữa là nguồn kinh phí, đặc biệt là các vùng nông thôn. Nguyên nhân là do không nắm được đội ngũ giáo viên; không chủ động được xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư nặng tính xin cho; mua sắm đồ dùng, trang thiết bị còn cảm tính, không có kế hoạch trung hạn nên đầu tư manh mún, kém hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân phát biểu tại hội nghị.

Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Cà Mau đã tập trung triển khai 3 đề án lớn đến năm 2025: Đề án đào tạo, sắp xếp đội ngũ giáo viên; Đề án xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; Đề án mua sắm trang thiết bị giáo dục.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn, Cà Mau sẽ đi tắt đón đầu, bên cạnh các giải pháp chiến lược, Cà Mau tập trung mạnh mẽ vào chuyển đổi số trong giáo dục…

* GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH TRÀ VINH NGUYỄN THỊ BẠCH VÂN: 2 đề xuất, kiến nghị đến Bộ GD-ĐT

Trong suốt thời gian qua, tỉnh Trà Vinh mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã tập trung các giải pháp để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Tuy nhiên, hiện toàn ngành cũng gặp không ít khó khăn cần được tháo gỡ. Thứ nhất về đảm bảo đội ngũ nhà giáo, Bộ GD-ĐT xem xét khi ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, không nên quy định tỷ lệ giáo viên trên số học sinh như dự thảo đã lấy ý kiến.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh Nguyễn Thị Bạch Vân phát biểu tại hội nghị.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT xem xét tham mưu Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; theo đó cần bổ sung quy định rõ sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp phải về địa phương đã chi trả chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt để được tuyển dụng đặc cách và phân công công tác; nếu không về địa phương đã chi trả chính sách thì phải bồi hoàn kinh phí đã chi trả.

Thứ hai về bảo đảm cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT xem xét tham mưu Chính phủ sớm có đề án, chương trình mục tiêu, hỗ trợ nguồn lực giúp địa phương còn khó khăn hạn chế như tỉnh Trà Vinh đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Vì việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, đầu tư mua sắm công cho giáo dục của tỉnh theo kế hoạch đầu tư công, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn địa phương (cụ thể là nguồn xổ số kiến thiết), không thể đáp ứng nhu cầu nguồn lực để thực hiện đầu tư theo đúng lộ trình theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.

PHI CÔNG (lược ghi)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202302/phat-trien-gdampdt-vung-dbscl-nhan-dien-kho-khan-tim-giai-phap-thao-go-972370/