Phát triển kinh tế từ giá trị di sản Cố đô

Phát triển kinh tế từ giá trị di sản mang lại lợi ích kinh tế và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Mô hình khai thác Thái Y Viện, hệ thống thủy đạo, du lịch trải nghiệm trên Thượng Thành, giáo dục di sản... đã chứng minh tiềm năng lớn của di sản Huế trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững.

Hệ thống di sản Huế có 30 giá trị để nhận diện

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phối hợp Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc và Công ty TNHH SMC Huế tổ chức Diễn đàn quốc tế lần thứ 3 với chủ đề “Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế tiềm năng, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển kinh tế địa phương.

Kinh tế di sản là lĩnh vực kinh tế đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế, dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh để phát triển kinh tế địa phương trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kinh tế di sản sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển Huế trở thành thành phố hiện đại, bền vững trong tương lai, biến những giá trị văn hóa lịch sử thành những giá trị kinh tế, mà kinh tế sẽ là nguồn nuôi sống lại di sản, góp phần ngược lại cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Du khách tham quan Hoàng Cung Huế.

Du khách tham quan Hoàng Cung Huế.

Với lợi thế là vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, Thừa Thiên Huế sở hữu kho tàng di sản UNESCO đặc biệt phong phú và đa dạng, tạo nên lợi thế độc nhất trong việc phát triển đa ngành.

Với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 6 di sản của riêng mình, Huế nắm giữ vị thế đặc biệt không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở Đông Nam Á. Sự kết hợp độc đáo giữa di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu tạo ra hệ sinh thái văn hóa - lịch sử toàn diện, mở ra cơ hội phát triển đan xen và bổ trợ cho nhau giữa các ngành.

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết, lợi thế vượt trội của Huế nằm ở sự đa dạng và tính liên kết của các di sản. Quần thể di tích Cố đô Huế không chỉ là công trình kiến trúc đơn thuần, mà còn là nơi lưu giữ âm nhạc cung đình, thơ văn trên kiến trúc và những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng, hệ thống thủy đạo, cảnh quan, cây xanh…

Sự giao thoa này tạo ra trải nghiệm văn hóa tổng thể, khác biệt hoàn toàn so với các di sản đơn lẻ ở các địa phương khác. Điều này mở ra cơ hội phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật và học hỏi lịch sử. Hơn nữa, sự hiện diện của cả di sản vật thể và phi vật thể tạo điều kiện để Huế phát triển nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo độc đáo.

Ông Trung cho hay, trong quy hoạch về di tích, hệ thống di sản Cố đô Huế có 30 giá trị để nhận diện và được chia làm 4 loại. Cụ thể, giá trị văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Cố đô Huế, các công trình kiến trúc và nghệ thuật cung đình. Giá trị kiến trúc nghệ thuật gồm các di tích như Hoàng thành, Điện Thái Hòa, lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, cùng các công trình mang phong cách kiến trúc độc đáo.

Ngoài ra, còn có giá trị sinh thái, cảnh quan và vị thế với các dòng sông, đồi núi và hệ thống cây xanh đặc trưng, mang đến môi trường tự nhiên lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái. Giá trị xã hội được thể hiện qua các lễ hội, phong tục, tập quán và đời sống cộng đồng đậm chất văn hóa. Từ các giá trị di sản trên, có thể nhận thấy một số lợi thế để phát huy giá trị, thừa hưởng thành quả kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản.

Phát triển kinh tế từ giá trị di sản Cố đô

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ, phát triển kinh tế từ giá trị di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Các mô hình như khai thác Thái Y Viện, hệ thống thủy đạo, du lịch trải nghiệm trên Thượng Thành, giáo dục di sản và tổ chức Festival văn hóa đã chứng minh tiềm năng lớn của di sản Huế trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững.

Lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn có nhiều giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật.

Lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn có nhiều giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật.

Với không gian di sản y học - Thái Y Viện, đây vốn là nơi chăm sóc sức khỏe cho hoàng tộc triều Nguyễn, lưu giữ nhiều bài thuốc cổ truyền và kiến thức y học cung đình. Đây không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà còn chứa đựng giá trị kinh tế thông qua khai thác du lịch và dịch vụ y học cổ truyền.

Tiềm năng phát triển kinh tế của di sản này được khai thác bằng cách tái hiện dịch vụ y học cung đình. Du khách có thể tham gia chương trình trị liệu như bấm huyệt, xông hơi, dùng bài thuốc cổ truyền. Có thể phát triển thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Điều này tạo ra cơ hội phát triển du lịch y tế, đóng góp vào sự phát triển của ngành y học nói chung. Bên cạnh đó, có thể sản phẩm thương mại hóa các bài thuốc cổ, trà thảo mộc, tinh dầu… được sản xuất và bán như sản phẩm lưu niệm đặc trưng...

Với hệ thống thủy đạo - Du lịch sinh thái trên sông, các dòng sông trong Hoàng Thành, kết nối ra các sông Ngự Hà, sông Đông Ba là di sản độc đáo vừa mang giá trị lịch sử vừa sở hữu tiềm năng khai thác kinh tế to lớn.

Tiềm năng phát triển kinh tế của di sản này có thể khai thác du lịch đường thủy bằng cách xây dựng các tour khám phá trên sông, kết hợp tìm hiểu lịch sử, kiến trúc và thiên nhiên. Dịch vụ ẩm thực trên sông bằng cách tổ chức thưởng trà trên hệ thống thủy đạo trong Hoàng Thành Huế; Tổ chức nhà hàng nổi hoặc thuyền phục vụ món ăn truyền thống, tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách. Hay tái hiện lịch sử bằng cách sử dụng công nghệ trình diễn ánh sáng, âm thanh trên mặt nước, tái hiện không gian lịch sử và văn hóa cung đình.

Hiệu quả kinh tế - xã hội của di sản này mang lại sẽ tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách; Khai thác tài nguyên du lịch bền vững, giảm áp lực lên các khu vực di tích cố định; Tạo cơ hội việc làm cho người dân ven sông.

Du khách nước ngoài thích thú đi bộ trên Thượng Thành.

Du khách nước ngoài thích thú đi bộ trên Thượng Thành.

Với du lịch trải nghiệm không gian Thượng Thành và cảnh quan xanh, Thượng Thành - một phần của Hoàng thành Huế, ngoài mang ý nghĩa lịch sử, còn là khu vực giàu tiềm năng để phát triển các hoạt động du lịch trải nghiệm, kết hợp với không gian xanh bao quanh. Các tuyến trải nghiệm ở Thượng Thành giúp du khách hình dung được tính chất lịch sử, công năng sử dụng tại các Eo bầu…

Tiềm năng phát triển kinh tế của di sản này được khai thác bằng cách tạo ra các con đường dọc theo lối đi trên Thượng Thành, qua các Eo bầu, nơi du khách có thể tận hưởng không khí trong lành và khám phá kiến trúc cổ kính, tính chất lịch sử qua các giai đoạn của triều Nguyễn hay các tour du lịch kết hợp kể chuyện lịch sử, giới thiệu các giá trị kiến trúc, sinh thái xung quanh...

Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động này sẽ tăng thêm sản phẩm du lịch mới, thu hút đa dạng đối tượng khách; Góp phần bảo vệ và nâng cao giá trị của không gian xanh, cải thiện môi trường đô thị; Kích thích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch.

Trong khi đó, giáo dục di sản là phương thức quan trọng để truyền tải giá trị văn hóa, lịch sử đến thế hệ trẻ, đồng thời là kênh khai thác kinh tế gián tiếp thông qua các sản phẩm và dịch vụ liên quan. Những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Sở GD&ĐT, các trường học tổ chức đón hơn 29 nghìn học sinh và giáo viên đến tham quan.

Với Festival văn hóa và sự kiện nghệ thuật, đây là cách hiệu quả để quảng bá di sản văn hóa Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để tăng cường giao lưu văn hóa, kích cầu du lịch và tạo ra các giá trị kinh tế từ các hoạt động dịch vụ đi kèm.

Khai mạc Tuần lễ Festival Huế 2024 tổ chức ở điện Kiến Trung.

Khai mạc Tuần lễ Festival Huế 2024 tổ chức ở điện Kiến Trung.

Tiềm năng phát triển kinh tế của di sản này bằng cách tổ chức Festival hằng năm, Festival 4 mùa, Festival chuyên đề; Festival Võ Thuật tôn vinh gắn kết các môn phái võ cổ truyền trong và ngoài nước, kết hợp biểu diễn, thi đấu và giao lưu; Festival Nhã nhạc và lễ hội cung đình với việc tổ chức các chương trình tái hiện lễ hội cung đình triều Nguyễn, kết hợp với trình diễn nhã nhạc; Festival triển lãm và hội chợ văn hóa giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực và nghệ thuật truyền thống Huế...

Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động này sẽ gia tăng lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự các sự kiện; Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nghệ nhân quảng bá sản phẩm và dịch vụ; Xây dựng thương hiệu Huế như điểm đến văn hóa đẳng cấp quốc tế.

Sự đa dạng của các di sản đã được UNESCO công nhận cũng tạo nền tảng vững chắc để Huế phát triển thành một thành phố Festival đẳng cấp quốc tế, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn đến triển lãm văn hóa - lịch sử, cảnh quan thu hút khách du lịch và nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới.

Kho tàng di sản này tạo cơ sở để Huế trở thành trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế, tổ chức các sự kiện ngoại giao văn hóa quy mô lớn. Điều này nâng cao vị thế của Huế trên trường quốc tế, tạo cơ hội phát triển kinh tế thông qua các hoạt động văn hóa và du lịch.

Ông Trung chia sẻ, Huế có lợi thế vượt trội trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số lấy di sản làm nền tảng. Sự kết hợp độc đáo giữa các loại hình di sản tạo ra cơ hội phát triển đan xen giữa du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ và sáng tạo, không chỉ bảo tồn và phát huy di sản mà còn tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển Huế (thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam) là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á; trung tâm khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, là thành phố di sản, văn hóa đầu tiên của Việt Nam trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Hải Vân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/phat-trien-kinh-te-tu-gia-tri-di-san-co-do-c8a87658.html