Phát triển kinh tế tư nhân – Thước đo mới cho thành công của chính quyền địa phương
Sự trì trệ trong cải cách thủ tục hành chính, những rào cản pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để, và sự thiếu nhất quán trong thực thi chính sách ở cấp địa phương đang là ba lực cản chính kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Từ chính sách đến hành động: Khoảng cách chưa thể rút ngắn nếu thiếu tinh thần thực thi
Theo một khảo sát, gần 45% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt trong nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tại Đà Nẵng, một dự án xây dựng phải mất tới 28 tuần chỉ để hoàn thành chuỗi thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường và xây dựng – một con số cho thấy chi phí thời gian đang bào mòn động lực đầu tư. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi cấp thiết đặt ra là chuyển hóa chính sách thành hành động cụ thể. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, thẳng thắn chỉ ra:
"Chúng ta đã ban hành nhiều chính sách đúng đắn và phù hợp, nhưng vấn đề quan trọng trong thời gian tới là làm thế nào để thực thi hiệu quả các chính sách này. Theo quan điểm của tôi, việc triển khai chính sách một cách năng động và sáng tạo tại các địa phương đóng vai trò then chốt. Vì vậy, cần tạo ra cơ chế khuyến khích và những điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và khu vực kinh tế tư nhân tại địa phương."

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI: Có thể cần giao các chỉ số KPI về phát triển kinh tế tư nhân cho các địa phương.
Quyết liệt từ Trung ương, chuyển động ở địa phương: Phân cấp, phân quyền để kiến tạo phát triển
Thực tế cho thấy, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ các nút thắt này. Hàng loạt văn bản đã được ban hành nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương hai cấp. Đây không chỉ là cải cách kỹ thuật hành chính, mà là bước chuyển lớn về tư duy điều hành. Nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực: quy trình nhanh hơn, thái độ phục vụ cải thiện rõ rệt – cho thấy khoảng cách giữa chủ trương và hành động đang từng bước được thu hẹp.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít nơi loay hoay trong cách làm. Đã đến lúc phải đặt lại câu hỏi: Vì sao một số nơi có thể thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong khi nơi khác lại để nhà đầu tư "bỏ đi trong im lặng"? Câu trả lời nằm ở tinh thần thực thi – thứ không thể có nếu thiếu một cơ chế khuyến khích đúng và những ràng buộc trách nhiệm rõ ràng. Khi cải cách không đi kèm kiểm chứng, khi kết quả không gắn với đánh giá cán bộ, thì không thể kỳ vọng vào chuyển biến thực chất. Với tinh thần đó, ông Đậu Anh Tuấn kêu gọi thiết lập một hệ tiêu chí gắn trách nhiệm với hiệu quả hành động:
"Chúng tôi nhận thấy rằng, việc xây dựng một môi trường không sợ hãi, khơi dậy niềm tự hào khi hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và thúc đẩy hoạt động kinh doanh thuận lợi. Trong thời gian tới, có thể cần giao các chỉ số KPI về phát triển kinh tế và thành lập doanh nghiệp tư nhân cho các địa phương, đồng thời lấy đây làm tiêu chí đánh giá thành tích chính trị. Chúng tôi tin rằng, khi gắn động lực chính trị với các mục tiêu này, hiệu quả sẽ rất lớn. Do đó, từ lãnh đạo chính quyền địa phương đến các sở, ban, ngành, cần có những cơ chế ràng buộc và động lực để khuyến khích các cơ quan thực thi tại địa phương hành động hiệu quả."
Khi hành vi công vụ trở thành động lực phát triển doanh nghiệp
Một chính sách hay chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó sống trong từng hành vi, từng quyết định, từng nụ cười đồng hành của cán bộ công quyền. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời, mỗi thủ tục được cắt giảm đúng lúc, mỗi không gian đầu tư được mở rộng hiệu quả – chính là minh chứng cụ thể cho sự thay đổi từ bên trong bộ máy. Hành trình nâng tầm kinh tế tư nhân không thể đến đích nếu thiếu sự nhập cuộc mạnh mẽ của chính quyền cơ sở. Và chỉ khi từng địa phương xem sự lớn mạnh của doanh nghiệp là sự trưởng thành của chính mình, thì năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ được nâng lên từ chính nền tảng vững chắc của từng doanh nghiệp địa phương.