Phát triển kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải
Để bảo vệ môi trường, hướng đến một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, Lâm Đồng cần phát triển kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải.

Lâm Đồng cần có giải pháp phân loại rác thải tại nguồn từ cấp cơ sở. Trong ảnh: Phân loại rác thải bằng các thùng chứa rác riêng biệt tại xã Đạ Tẻh
2.550 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong tỉnh khoảng 2.550 tấn/ngày. Trong đó, tập trung tại các phường, xã đô thị lớn như khu vực các phường mang tên Đà Lạt khoảng 350 tấn/ngày; khu vực các phường Phan Thiết khoảng 330 tấn/ngày; khu vực xã Đức Trọng và các xã lân cận khoảng 200 tấn/ngày; khu vực các phường Bảo Lộc khoảng 180 tấn/ngày; khu vực các phường Gia Nghĩa khoảng 170 tấn/ngày. Hiện tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực đô thị của Lâm Đồng đạt 90 - 95%, khu vực nông thôn đạt khoảng 60 - 75%, gần ngang tỷ lệ thực hiện cả nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá, việc thu gom, vận chuyển rác thải về nhà máy xử lý tại một số địa phương còn chậm, thiếu xe chuyên dụng, chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển chưa bảo đảm. Việc phân bổ kinh phí chưa được kịp thời, dẫn đến việc các đơn vị chậm triển khai nhiệm vụ; vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi, bỏ rác không đúng giờ; việc phân loại rác thải tại nguồn đến nay mới chỉ dừng lại ở các mô hình thí điểm, chưa triển khai rộng vì nhiều nguyên do. Cùng với đó, công nghệ của các nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động hầu hết lạc hậu, chưa được đầu tư chuyển đổi sang công nghệ hiện đại hơn.
Sau khi hoàn tất sáp nhập địa giới hành chính và triển khai chính quyền hai cấp, một số địa phương cấp xã còn lúng túng trong việc xác định chức năng nhiệm vụ liên quan để triển khai công tác quản lý nhà nước đối với chất thải rắn sinh hoạt; lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu các hợp đồng dịch vụ công ích dẫn đến việc thu gom, xử lý chất thải chưa được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Thay đổi tư duy phát triển
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường.
Việc phát triển kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế chất thải, khí thải ra môi trường; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng.
Theo ông Sỹ, với lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày rất lớn, thay vì chôn lấp hay đốt bỏ, có nhiều giải pháp để xử lý như làm phân vi sinh; tái chế nhựa, giấy, thép phế liệu cùng các kim loại nhôm, đồng, kẽm từ phế liệu; tái chế thủy tinh phế liệu; nhiệt phân lốp cao su, chất thải cao su, nhựa thành nhiên liệu lỏng; tái chế thành vật liệu trải đường; sử dụng rác thải làm nguyên liệu cho các nhà máy đốt phát điện; sản xuất viên nhiên liệu nén từ rác thải sinh hoạt; thu hồi khí biogas từ bãi chôn lấp để phát điện; sản xuất gạch không nung...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho rằng, Lâm Đồng trong thời gian đến cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, thực hiện lồng ghép các nội dung kinh tế tuần hoàn. Trước mắt, cần đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn; triển khai các giải pháp hỗ trợ tái chế các phế liệu thu được; đánh giá hiện trạng phát sinh và tiềm năng cung ứng phế liệu từ hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt...
Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế, nguồn vốn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; hỗ trợ tín dụng, trợ giá sản phẩm tái chế; hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-trong-xu-ly-rac-thai-382911.html