Phát triển phục hồi chức năng hiệu quả trong hệ thống khám chữa bệnh, cần những điều gì?

Làm sao để phục hồi chức năng Việt Nam đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho gần 100 triệu dân và tương xứng với vai trò là một trong 4 cấu phần quan trọng của chăm sóc y tế toàn diện bao gồm nâng cao sức khỏe; dự phòng; điều trị và phục hồi chức năng...

Đây là nội dung được thảo luận tại Hội thảo chiến lược quốc gia phát triển hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Cục quản lý Khám chữa bệnh tổ chức tại Lào Cai ngày 29/4.

Hội thảo thu hút các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách của Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh- Xã hội, Hội PHCN Việt Nam, các tổ chức quốc tế và đông đảo cán bộ làm công tác PHCN của cả nước tham gia góp ý.

Người khuyết tật, người bệnh COVID-19 nặng cần PHCN...

TS Cao Hưng Thái- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, nhu cầu PHCN tại Việt Nam là rất lớn do dân số đang già hóa; tỷ lệ khuyết tật lớn; mô hình bệnh tật thay đổi cần PHCN như: bệnh COVID-19, bệnh không lây nhiễm, tai nạn thương tích…

Quang cảnh Hội thảo chiến lược quốc gia phát triển hệ thống phục hồi chức năng diễn ra ngày 29/4

Quang cảnh Hội thảo chiến lược quốc gia phát triển hệ thống phục hồi chức năng diễn ra ngày 29/4

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, dân số trên 60 tuổi dự kiến đạt 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp ba lần từ 8,9% lên hơn 30%. Trong khi đó số người khuyết tật chiếm khoảng trên 6% dân số, khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Tuy nhiên tỷ lệ người bệnh, người khuyết tật được tiếp cận với dịch vụ PHCN chỉ đạt khoảng 40% rong khi nhu cầu về PHCN sẽ tiếp tục gia tăng.

Bên cạnh đó, nhiều người mắc COVID-19 nặng, dù qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng tổn thương phổi và các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Tất cả những người này rất cần được chăm sóc sức khỏe và PHCN.

Nhu cầu PHCN là rất lớn, nhưng nhân lực PHCN rất ít, chỉ có 0,25 nhân lực PHCN/10.000 dân, thấp hơn so với định mức theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (0,5 – 1/10.000 dân). Để đạt được mức trung bình theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện còn thiếu khoảng 4.850 nhân lực có chuyên môn được đào tạo về PHCN.

Tuy nhiên khả năng cung cấp dịch vụ PHCN của các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế, bất cập.

Mạng lưới các cơ sở chỉnh hình – PHCN phân tán trực thuộc nhiều bộ ngành, thiếu cơ chế kết nối, phối hợp trong kiểm soát chất lượng dịch vụ. Nhân lực chưa đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chậm được cải thiện.

Khả năng cung cấp dụng cụ trợ giúp cũng như danh mục các dịch vụ kỹ thuật tại các tuyến còn hạn hẹp, người bệnh, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong chi trả nên còn bị hạn chế về khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ...

Đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở, tỷ lệ người bệnh được tiếp cận với dịch vụ PHCN phù hợp còn thấp, mới chỉ đạt khoảng >40% trong khi nhu cầu về PHCN sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian sắp tới do mô hình bệnh tật ở đang ở giai đoạn chuyển đổi với đa gánh nặng về các bệnh mãn tính, bệnh không lây và chấn thương không chủ định.

Ước tính cả nước sẽ có hơn 30 triệu người cần được PHCN trong đó tỷ lệ bệnh nhân nữ cao hơn so với nam, tập trung nhiều hơn ở độ tuổi 50- 59 và nhiều nhất thuộc với nhóm mắc bệnh rối loạn cơ xương khớp …

Đưa PHCN phát triển tương xứng

Góp ý về chiến lược phát triển PHCN giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050, TS Hoàng Quốc Hương- Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết, nhu cầu về PHCN tại các tỉnh miền núi rất cao khi chất lượng dân số thấp, di chứng bệnh tật, tai nạn thương tích vẫn còn nhiều. Đặc biệt tai nạn thương tích hay xảy ra với những người là trụ cột gia đình nên ảnh hưởng đến đời sống, kinh thế toàn hộ gia đình.

Ông Hương cũng đề xuất chiến lược cần tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển PHCN, trong đó chính sách đặc thù về đạo tạo, bộ máy, cơ chế chính sách hỗ trợ cho đối tượng cần PHCN( đa số là người yếu thế cần cơ chế đặc thù như trẻ tâm thần, tự kỷ, người cao tuổi…). Hệ thống y tế cần có quan điểm chỉ đạo xuyên suốt về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ PHCN.

TS Cao Hưng Thái cùng các đại biểu thăm bệnh nhân đang điều trị tại Khoa phục hồi chức năng BVĐK tỉnh Lào Cai

TS Cao Hưng Thái cùng các đại biểu thăm bệnh nhân đang điều trị tại Khoa phục hồi chức năng BVĐK tỉnh Lào Cai

GS.TS Trần Trọng Hải- Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam cho rằng cần xác định vị trí của PHCN trong nền y học toàn diện đã có, cần phải định nghĩa rõ về PHCN để nhân dân không hiểu sai về PHCN, nhầm lẫn PHCN với y học cổ truyền

Trong chuyên ngành PHCN có phòng ngừa khuyết tật là nhiệm vụ hàng đầu và điều trị PHCN. PHCN không chỉ dành cho người khuyết tật mà còn giúp phòng ngừa, nâng cao sức khỏe, cải thiện chức năng vận động cho cộng đồng...

PHCN giúp mang lại kết quả sức khỏe tốt hơn, ngăn ngừa các biến chứng và giảm tỷ lệ tái nhập viện. Đồng thời PHCN còn đóng góp hữu hiệu trong việc giúp nâng cao hiệu quả của các can thiệp y tế và phẫu thuật. Đặc biệt, PHCN đảm bảo đáp ứng các quyền của người khuyết tật.

Đồng thời PHCN cũng cần được xác định là hoạt động đầu tư vào nhân lực và vốn xã hội để góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững. PHCN có vai trò quan trọng trong bối cảnh già hóa dân số và ngày càng gia tăng về các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm (NCD) và tai nạn thương tích ở nước ta.

Phát triển PHCN là điều kiện cần thiết để thực hiện thành công bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các Mục tiêu Phát triển bền vững – SDG mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với cộng đồng quốc tế.

Lê Hảo- Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//phat-trien-phuc-hoi-chuc-nang-hieu-qua-trong-he-thong-kham-chua-benh-can-nhung-dieu-gi-169220429191535571.htm