Phát triển văn hóa Thủ đô từ giá trị sáng tạo - Bài 2: Niềm hy vọng từ Luật Thủ đô

Là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Hà Nội vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cũng vì vậy, có những mục tiêu chưa đạt được như kỳ vọng. Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, được cho sẽ tạo cú hích để ngành văn hóa Thủ đô nỗ lực đổi mới sáng tạo, dẫn đầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Động lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Thuật ngữ công nghiệp văn hóa đã dần quen thuộc ở Việt Nam, trên thế giới lại sử dụng thuật ngữ công nghiệp sáng tạo, công nghiệp bản quyền, kinh tế sáng tạo... Dù từ ngữ khác nhau nhưng nội hàm đều nói về một ngành công nghiệp mà nguyên liệu là vốn văn hóa và năng lực sáng tạo.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhấn mạnh: Đưa Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo ở tầm vóc châu Á và công nghiệp văn hóa phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cảm nhận rằng đã có thay đổi về nhận thức nhưng cần hiểu thấu đáo công nghiệp khai thác vốn văn hóa là gì và quan trọng hơn là làm thế nào để xây dựng cơ chế, chính sách...

Công chúng tham quan dự án nghệ thuật cầu đi bộ Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tháng 5-2024. Ảnh: LINH CHI

Công chúng tham quan dự án nghệ thuật cầu đi bộ Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tháng 5-2024. Ảnh: LINH CHI

Nhiều vướng mắc lâu nay sẽ được giải quyết nhờ Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo luật sư Đinh Thị Hồng Trang, Công ty Luật TNHH BH & Associates, Luật Thủ đô mới tạo thêm hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi. Luật Thủ đô (sửa đổi) có hẳn điều riêng 21 và nhiều điều liên quan như điều 23, 39, 41 với những chính sách đặc thù, giúp bổ sung, điều chỉnh, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cho Hà Nội trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa. Luật cho phép Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa phù hợp với quy hoạch hay những quy định cởi mở hơn về hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa; quản lý tài sản công...

Những quy định mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là sự động viên rất lớn đối với những người thực hành và kinh doanh văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội và họ đều mong rằng Thủ đô sẽ có những cơ chế, chính sách vượt trội cụ thể hóa luật.

Cổ vũ những sáng tạo dù là nhỏ nhất

Có một điều mà tất cả chuyên gia đều thống nhất là để có sáng tạo hay công nghiệp văn hóa đều cần sự bền bỉ, lâu dài. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam nhận định: Để có quả ngọt cần quá trình chăm bẵm lâu dài, phải 20-30 năm mới thấy thành quả nhưng nếu qua 5 năm, ta nhìn thấy được bước tiến, có thể chưa thấy quả ngọt ngay nhưng trồng cây mà thân khỏe lá tốt có nghĩa là đang đi đúng hướng, cần bước tiếp và kiên trì. Vì thế, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng phải tính đến những biện pháp dài hơi, cả cơ chế phải thông đồng bén giọt.

 Thực hành thư pháp tại không gian sáng tạo của Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: VIỆT TRUNG

Thực hành thư pháp tại không gian sáng tạo của Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: VIỆT TRUNG

Câu chuyện “tiền đâu” khi chi cho sáng tạo luôn là câu hỏi đầu tiên muôn thuở nhưng theo quan điểm của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, chúng ta không cần làm hoành tráng một sự kiện mà cần chú ý tới tính bền vững cho sáng tạo, nuôi mầm sáng tạo. Ở đây, câu chuyện giáo dục để khán giả biết cách xem, thưởng thức sáng tạo, người thụ hưởng và người lãnh đạo cũng như toàn bộ người làm ra sản phẩm có thể đồng hành cùng nhau... cũng là một yếu tố cần tầm nhìn xa và lộ trình. Các chuyên gia cũng cho rằng, chính UNESCO cũng không quan trọng quy mô các hoạt động sáng tạo mà điều cần thiết là chúng ta phải làm thay đổi được nhận thức, có sự tham gia của người trẻ vào hoạt động sáng tạo...

Để giải quyết những vấn đề về tổ chức, thực hiện sáng tạo, công nghiệp văn hóa, Hà Nội cần kiến tạo Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Đây cũng là một trong 6 cam kết của Hà Nội khi tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo. Trung tâm này điều phối hoạt động, tổ chức kết nối, thậm chí như Singapore, Nhật Bản còn có cả nơi lưu trú cho nghệ sĩ; hay có cả bộ nhận diện xuất hiện từ sân bay về đến tận khách sạn... Về điều này, theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Muốn thúc đẩy sáng tạo thì trong công nghiệp văn hóa phải tạo ra trung tâm sáng tạo. Mỹ có Hollywood là nơi tập hợp con người sáng tạo, cùng các mối quan tâm như điện ảnh, nghệ thuật. Các trung tâm này sẽ giúp lan tỏa sự sáng tạo đến các thành phố khác. Vì vậy tạo ra không gian sáng tạo là vô cùng quan trọng ở các quốc gia.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: Một quốc gia khởi nghiệp có thủ đô sáng tạo sẽ là bước chuyển mình quan trọng từ mô hình phát triển thiếu bền vững và năng suất thấp sang nền kinh tế tuần hoàn. Việc Hà Nội coi thiết kế sáng tạo là giải pháp trọng tâm trong chiến lược xây dựng mô hình phát triển mới, gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ cũng như sự tham gia và vai trò đổi mới sáng tạo của người dân sẽ tác động dài hạn đến sự phát triển bền vững của Thủ đô. Thực tiễn cho thấy một thành công trong lĩnh vực sáng tạo có thể đem lại rất nhiều lợi nhuận cho người sáng tạo, cộng đồng và quốc gia như sự phát triển của Facebook, Uber, Grab, Amazon... thì mặt khác cũng cho thấy khoảng 80% các ý tưởng táo bạo bị thất bại. Nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo phải được thực hiện theo cách khác thông thường. Vì thế, chúng ta cần kiên trì cổ vũ cho những sáng tạo dù là nhỏ nhất.

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố (vào năm 2030) và 10% GRDP của thành phố (đến năm 2045).

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/phat-trien-van-hoa-thu-do-tu-gia-tri-sang-tao-bai-2-niem-hy-vong-tu-luat-thu-do-796261