Phật tử kiều bào đồng hành cùng đất nước (Kỳ I): Chuông chùa vọng hồn Việt
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự tích cực của cộng đồng, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng Phật tử, các ngôi chùa Việt ở Thái Lan còn nơi bà con gửi gắm tình cảm với quê hương, duy trì tập quán truyền thống, giúp gắn kết cộng đồng và giáo dục thế hệ kiều bào trẻ về cội nguồn.
Kiều bào tại Thái Lan luôn tự hào về nền văn hóa và truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc, trong đó hình ảnh ngôi chùa với tiếng chuông thân thuộc luôn hiện diện trong tâm thức của họ. Bởi vậy, ngày từ thế kỷ XVIII, một số ngôi chùa đã được những người Việt di cư đầu tiên xây dựng ở đất nước chùa Vàng, đến nay có đã khoảng 25 ngôi chùa gốc Việt...
Phát triển Phật giáo Việt tông trên đất Thái
Là một trong hai tông phái Phật giáo nước ngoài duy nhất tại đất nước này, bất chấp các thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt tông (còn gọi là An Nam tông - Annamnikai) đã được duy trì mạnh mẽ và trở thành một tông phái được kính trọng trong cộng đồng Phật giáo ở Thái Lan.
Đặc biệt, nhiều ngôi chùa Việt lâu đời tại đây đã được gắn biển tên Việt như chùa Tam Bảo (tiếng Thái là Wat Aphay Phati Kram) và chùa Ngọc Thành (tiếng Thái là Wat Annan Duoikai Tralom Prachom Phatsakan) tại các tỉnh Suphan Buri và Chachoengsao.
Đây là việc làm ý nghĩa giúp Phật tử và du khách thập phương biết nguồn gốc Việt Nam của các ngôi chùa, cho thấy sự hiện diện, sức sống của văn hóa Việt Nam và nhấn mạnh sự giao thoa giữa hai nền văn hóa.
Theo Hòa thượng Thích Thiện Khai, chùa Tam Bảo được xây dựng vào năm 2449 lịch Phật giáo (tức năm 1906), từ đời vua Rama thứ V, tính đến nay đã được 118 năm. Dù mang nhiều nét của Phật giáo Trung Hoa nhưng chùa phát triển theo hệ phái Phật giáo Việt tông. Người Việt và người Hoa cùng đến cúng lễ thờ phụng, thể hiện nét đẹp bao trùm của đạo Phật, cùng chia sẻ niềm tin tôn giáo.
Tọa lạc ở trung tâm khu Chinatown nổi tiếng của thủ đô Bangkok, chùa Hội Khánh cũng là ngôi chùa cổ nhất của người Việt ở đất nước Thái. Theo các tư liệu được lưu giữ, ngôi chùa được xây dựng vào khoảng thời các vua Taksin và Dhonburi (1768-1782), tên gọi theo tiếng Thái là Wat Mongalasamagom.
Do các nhà sư người Việt sáng lập, theo thời gian, chùa Hội Khánh trở thành một trung tâm quan trọng Phật giáo Việt tông. Trong quá trình tồn tại, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó có lần trùng tu lớn vào năm 1956 với sự đóng góp của cộng đồng Việt kiều.
Do sự giao lưu văn hóa mà kiến trúc chùa là sự kết hợp của cả ba nền văn hóa Việt Nam - Thái Lan - Trung Hoa, trong đó văn hóa Việt là chủ đạo. Ngày nay, ngôi chùa là điểm đến thú vị cho du khách người Việt khi ghé thăm Bangkok.
Ở thủ đô Bangkok còn có một ngôi chùa đặc biệt khác là chùa Từ Tế (Wat Lokanukhro). Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh - vị Thánh sống” xuất bản tại Thái Lan tháng 7/2009, tác giả Sukprida Banomyong thuật lại rằng, khi đến Bangkok bằng tàu biển (1928), Nguyễn Ái Quốc tới ngay chùa Từ Tế vì đã liên hệ với vị sư trụ trì người Việt là hòa thượng Bình Lương (còn gọi là Sư Ba).
Được biết, từ giai đoạn 1930-1935, hòa thượng Bình Lương đã đón nhiều cán bộ tiền bối cách mạng sang đây. Từ năm 1940 trở đi, chùa Từ Tế là nơi cán bộ hội họp, trú chân trước khi về hoạt động trong nước hoặc sang Lào. Sau năm 1950, bất chấp chính quyền Thái Lan khi ấy áp dụng chế độ hà khắc đối với Việt kiều, hòa thượng vẫn duy trì chùa Từ Tế để hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ Việt Nam hoạt động cách mạng cũng như giúp đỡ nhiều thanh niên nương nhờ ăn học.
Được xây dựng từ những năm 50-60 của thế kỷ XIX, sau trùng tu nhiều lần nên ngôi chùa Từ Tế hiện khá khang trang. Không chỉ người Việt, nhiều người Thái Lan cũng coi nơi đây là điểm đến tín ngưỡng, thường xuyên đến cầu an và tự hào với lịch sử của ngôi chùa này.
Điểm tựa tinh thần của kiều bào
Với tiếng chuông ngân vang, thấm đẫm hồn Việt, những ngôi chùa chính là điểm tựa tinh thần của nhiều người Việt ở nơi xa xứ. Đó cũng là không gian để bà con có thể giao lưu, chia sẻ, bộc bạch và gửi gắm tình cảm đối với quê hương.
Vào tháng 5/2024, nhân chuyến thăm, làm việc tại Thái Lan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng đã tham dự lễ kỷ niệm 190 năm thành lập chùa Khánh Thọ - một trong những ngôi chùa Việt cổ đầu tiên được công nhận chính thức, gắn biển tên tiếng Việt tại Thái Lan.
Dịp này, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã gửi lời tri ân đến các vị hòa thượng trụ trì các chùa Việt tại Thái Lan đã có công chăm lo đời sống tín ngưỡng cho cộng đồng người Việt.
Thứ trưởng cảm ơn lãnh đạo và nhân dân tỉnh Kanchanaburi đã luôn dành cho cộng đồng người Việt tại địa phương sự quan tâm, tạo điều kiện cho bà con sinh sống, duy trì truyền thống văn hóa, phong tục tập quán; cảm ơn Văn phòng Phật giáo Thái Lan đã hỗ trợ duy trì và phát triển Phật giáo Việt tông tại Thái Lan.
Theo ông Lương Xuân Hòa, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani, các chùa Việt đều nhận được sự quan tâm bảo trợ của các đời Vua Thái Lan, được Nhà Vua ban tên và sắc phong sư trụ trì.
Là cố vấn chùa Việt Nam tại Thái Lan, ông Hòa hiểu sâu sắc vai trò của ngôi chùa còn là nơi bảo tồn văn hóa, lưu giữ hồn Việt và là biểu tượng của Việt Nam trên đất Thái.
Từ năm 2014, ông đã cùng các thành viên trong Ban quản lý chùa Khánh An cho xây dựng một dãy nhà trong chùa vừa làm nơi sinh hoạt vừa để tổ chức dạy tiếng Việt cho bà con cộng đồng. Bên cạnh đó, ông còn tiếp tục hợp tác với các doanh nhân để đúc chuông cho các ngôi chùa Việt ở khắp nơi trên đất Thái.
Mong ước của ông Lương Xuân Hòa cũng như nhiều bà con kiều bào là nơi nào có người Việt ở là nơi đó sẽ có những ngôi chùa được gắn tên Việt Nam.
Ông chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần tổ chức tri ân mời hòa thượng trụ trì các chùa và các vị sư về thăm Việt Nam để tìm hiểu về nguồn gốc Phật giáo Việt Tông. Tôi cũng hy vọng các cơ quan trong nước sẽ hỗ trợ cho các vị sư được trong việc học và tụng kinh tiếng Việt, để lan tỏa hơn nữa Phật giáo Việt Nam ở xứ sở chùa Vàng”.