Phi hành gia chụp bức ảnh 'Trái đất mọc' qua đời trong tai nạn máy bay

Cựu phi hành gia William Anders trong sứ mệnh Apollo 8, người đã chụp bức ảnh lịch sử 'Trái đất mọc', đã qua đời vào ngày 7/6 khi chiếc máy bay ông lái một mình lao xuống vùng biển ngoài khơi Quần đảo San Juan ở bang Washington, Mỹ. Ông thọ 90 tuổi.

Khoảng 11h40 sáng 7/6, cảnh sát trưởng quận San Juan Eric Peter nhận được báo cáo rằng một chiếc máy bay kiểu cũ đã lao xuống biển ở ngoài khơi đảo Jones. Theo Hiệp hội Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), chỉ có một mình phi công đang ở trên chiếc máy bay Beech A45 vào thời điểm đó.

Cựu Trung tá Không quân Greg Anders, con trai ông William Anders, xác nhận rằng thi thể của cha ông đã được tìm thấy vào chiều 7/6. "Gia đình tôi vô cùng đau lòng. Ông ấy là một phi công tuyệt vời và chúng tôi sẽ rất nhớ ông ấy", ông Greg Ander bày tỏ.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ và FAA đang điều tra vụ tai nạn.

 Bức "Trái đất mọc" cho thấy Trái đất như một viên ngọc màu xanh lam nhìn từ Mặt trăng vào năm 1968. Ảnh: William Anders/NASA

Bức "Trái đất mọc" cho thấy Trái đất như một viên ngọc màu xanh lam nhìn từ Mặt trăng vào năm 1968. Ảnh: William Anders/NASA

Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson đã vinh danh phi hành gia quá cố William Anders trên mạng xã hội X: "Ông ấy đã du hành đến ngưỡng cửa Mặt trăng và giúp tất cả chúng ta nhìn thấy một thứ khác: chính chúng ta".

Bức "Trái đất mọc", ảnh màu đầu tiên của Trái đất chụp từ không gian, là một trong những bức ảnh quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại vì nó đã thay đổi cách con người nhìn nhận hành tinh này. Bức ảnh được cho là đã khơi dậy phong trào môi trường toàn cầu vì nó cho thấy Trái đất trông mỏng manh và cô lập như thế nào trong không gian.

Sứ mệnh Apollo 8 vào tháng 12/1968 là chuyến bay vũ trụ đầu tiên của con người rời khỏi quỹ đạo Trái đất thấp và du hành tới Mặt trăng rồi quay trở lại. Đó là chuyến đi táo bạo nhất và có lẽ là nguy hiểm nhất của NASA, cũng là chuyến đi tạo tiền đề cho cuộc đổ bộ lên Mặt trăng của tàu Apollo 7 tháng sau đó.

Trong cuộc phỏng vấn năm 1997, ông William Anders nói rằng ông biết sứ mệnh Apollo 8 có rủi ro, nhưng ông vẫn quyết định tham gia vì quốc gia, lòng yêu nước và khám phá. Ông ước tính có khoảng 1/3 khả năng phi hành đoàn sẽ không thể quay trở lại nếu thực hiện sứ mệnh.

Ông kể lại rằng phi hành đoàn đã rất chật vật nhưng không thực sự nhìn thấy Trái đất hay Mặt trời, cho đến khi họ chứng kiến cảnh Trái đất từ từ mọc lên. "Đến nay, đó chắc chắn là điều ấn tượng nhất. Quả cầu đầy màu sắc, rất tinh tế này đối với tôi trông giống như một vật trang trí cây thông Noel xuất hiện trên khung cảnh Mặt trăng xấu xí, khắc nghiệt".

Ông William Anders từng là phi hành đoàn dự phòng cho sứ mệnh Apollo 11 và Gemini XI vào năm 1966, nhưng sứ mệnh Apollo 8 là lần duy nhất ông bay vào vũ trụ.

 Cựu phi hành gia William Anders trả lời phỏng vấn vào ngày 20/7/2004. Ảnh: AP

Cựu phi hành gia William Anders trả lời phỏng vấn vào ngày 20/7/2004. Ảnh: AP

Ông sinh ngày 17/10/1933 tại Hồng Kông. Vào thời điểm đó, cha ông là trung úy Hải quân trên tàu USS Panay, một pháo hạm của Mỹ trên sông Dương Tử của Trung Quốc.

Ông và vợ, bà Valerie, đã thành lập Bảo tàng Chuyến bay Di sản ở bang Washington vào năm 1996. Bảo tàng này hiện có trụ sở tại một sân bay khu vực ở Burlington và có 15 máy bay, một số phương tiện quân sự cổ, một thư viện và nhiều hiện vật do các cựu chiến binh quyên góp. Hai người con trai của ông đã giúp ông điều hành bảo tàng.

Cặp đôi chuyển đến đảo Orcas, thuộc quần đảo San Juan, vào năm 1993. Họ có 6 người con và 13 đứa cháu.

Ông Anders tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ năm 1955 và từng là phi công chiến đấu trong Lực lượng Không quân.

Sau đó, ông phục vụ trong Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, với tư cách là chủ tịch Mỹ của chương trình trao đổi công nghệ chung giữa Mỹ và Liên Xô về năng lượng phân hạch và nhiệt hạch hạt nhân, đồng thời là đại sứ tại Na Uy. Sau đó, ông làm việc cho General Electric và General Dynamics, theo tiểu sử của NASA.

Hoài Phương (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phi-hanh-gia-chup-buc-anh-trai-dat-moc-qua-doi-trong-tai-nan-may-bay-post298550.html