Phim chiến tranh: Cần thêm những sự dấn thân

Chiến tranh - với tất cả mất mát, hy sinh và khát vọng sống - luôn là một đề tài lớn của nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Được ví như một 'mỏ vàng' điện ảnh nhưng khó khai thác, dòng phim chiến tranh đòi hỏi nhiều điều kiện: Từ tư duy sáng tạo, đầu tư tài chính đến bản lĩnh dấn thân của nghệ sĩ.

Đây cũng là một vấn đề vừa “làm nóng” Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ III với hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”.

Một cảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.

Một cảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.

Đa dạng góc nhìn về siêu đề tài chiến tranh

Khoảng thời gian từ năm 1986 đến cuối thập niên 1990 được xem là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của dòng phim chiến tranh với nhiều tác phẩm ghi dấu ấn sâu sắc như “Ngã ba Đồng Lộc”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”, “Đời cát”... Nếu như những bộ phim ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước thường mang tính cổ động, đề cao chủ nghĩa anh hùng, thì đến thời kỳ đổi mới, chiến tranh được tái hiện với góc nhìn đa chiều, nhân bản hơn.

Hình tượng người lính được khắc họa cụ thể hơn - không chỉ là người chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, mà còn là người cha, người chồng, người con trong gia đình. Họ hiện lên với đầy đủ cảm xúc, giằng xé, lựa chọn sinh tử trong những hoàn cảnh riêng biệt. Từ “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông” đến các bộ phim sau này như “Bến không chồng”, “Những người viết huyền thoại”, “Đừng đốt”... đã mở rộng đường cho các cuộc đối thoại về số phận con người, về nhân tính trong chiến tranh, đồng thời góp phần lưu giữ di sản tinh thần dân tộc bằng những câu chuyện sống động và cảm động.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng - tác giả phim “Những người viết huyền thoại” - nhấn mạnh: “Giá trị thực sự của phim chiến tranh nằm ở ba yếu tố: Giá trị nội dung - tức là câu chuyện chân thực, sâu sắc và hấp dẫn; giá trị nghệ thuật - thành quả sáng tạo của đoàn làm phim; và cảm xúc - kết tinh tư tưởng, thông điệp của tác phẩm. Phim không chỉ kể chuyện đánh đấm, mà phải đi sâu vào cuộc đời, vào sự hy sinh hay đớn hèn, vào lựa chọn cá nhân của nhân vật, từ đó khắc họa nên bản ngã và số phận con người giữa chiến tranh”.

Một trong những xu hướng nổi bật trong dòng phim chiến tranh hiện đại là cách thể hiện hình ảnh người phụ nữ - không chỉ là người hậu phương, mà còn là biểu tượng của sự hy sinh thầm lặng, của vẻ đẹp kiên cường và nhân đạo. Đạo diễn, NSƯT Lê Hoàng dẫn chứng bằng phim “Người còn sót lại ở rừng cười”, trong đó các nữ thanh niên xung phong hy sinh khi đi tắm suối sau một trận phục kích. Dù phân đoạn này từng gây tranh cãi vì bị cho là lãng mạn hóa cái chết, nhưng theo ông, chính sự ngây thơ ấy mới cho thấy chiến tranh tàn khốc đến thế nào.

Tương tự, hình ảnh người đàn bà mộng du trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân là ẩn dụ đầy ám ảnh cho nỗi đau và sự mất mát mà chiến tranh để lại. Trong “Áo lụa Hà Đông”, diễn viên Trương Ngọc Ánh vào vai người mẹ chứng kiến những hy sinh trong thời chiến. Nỗi mất mát quá lớn lao và sự chịu đựng phi thường của họ cũng đồng thời khẳng định sự kiên cường, bền bỉ của người phụ nữ Việt Nam. “Tôi tin vào sức mạnh của điện ảnh, rằng nó có thể lưu giữ hình ảnh của những người phụ nữ sau cuộc chiến, để họ không bị lãng quên” - chị chia sẻ.

Cần lắm tinh thần dấn thân

Ai cũng biết làm phim chiến tranh vừa khó, vừa khổ, lại vô cùng tốn kém. Nhưng chính điều đó càng đòi hỏi tinh thần dấn thân từ những người làm nghề. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, sự tham gia của các nhà làm phim tư nhân đang mở ra nhiều hy vọng mới cho dòng phim này.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, chính tinh thần dân tộc đã khiến nhiều nhà đầu tư dũng cảm “bước vào cuộc chơi” nhiều rủi ro này. Điển hình là trường hợp của phim “Dòng máu anh hùng” và “Áo lụa Hà Đông” - cả hai đều được sản xuất với nguồn vốn chủ yếu từ gia đình đạo diễn và sự chung tay góp sức của nhiều cá nhân. Theo bà, hầu hết các dự án phim chiến tranh do tư nhân đầu tư đều trải qua quá trình xây dựng kịch bản kéo dài, phải qua nhiều vòng phản biện, kiểm định thị hiếu khán giả, xu hướng thị trường và giải pháp công nghệ. Chính nhờ sự phản biện ấy mà kịch bản thường đạt được sự logic, hấp dẫn và có chiều sâu triết lý. Tuy nhiên, kịch bản hay không đảm bảo cho thành công về doanh thu. “Dòng máu anh hùng” và “Áo lụa Hà Đông” đều không đạt hiệu quả kinh tế như kỳ vọng - phần vì thời điểm phát hành chưa hợp lý, phần vì thiếu sự biên tập khách quan. Trong khi đó, phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” may mắn hơn khi được phát hành đúng thời điểm, dù chỉ dừng ở mức xấp xỉ hòa vốn. Dẫu vậy, cả ba tác phẩm đều đã mở ra một lối kể khác, mang tới cho khán giả cảm xúc thẩm mỹ mới mẻ, vượt khỏi khuôn mẫu truyền thống của “phim Nhà nước”.

“Những hình tượng người anh hùng trở nên gần gũi, “đời” hơn. Những số phận nhỏ bé của con người lặn ngụp qua biển lửa chiến tranh khiến người xem thấu cảm sâu sắc hơn với những gì cha ông ta đã hy sinh vì nền độc lập, tự do. Chính vì thế, việc làm phim chiến tranh của các nhà làm phim tư nhân cần được tưởng thưởng đúng cách, để chúng ta có thêm nhiều bộ phim hấp dẫn về lịch sử dân tộc” - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ.

Mai Đình

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phim-chien-tranh-can-them-nhung-su-dan-than-709666.html