Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì làm việc với Bộ Y tế về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường

Chiều 22/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành' đã có cuộc làm việc với Bộ Y tế. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc làm việc

Đồng chủ trì cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát.

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, phát biểu khai mạc cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, phát biểu khai mạc cuộc làm việc

Tỷ lệ xử lý nước thải y tế và chất thải rắn y tế đều đạt 98%

Báo cáo Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế luôn được Bộ đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm cụ thể hóa các nội dung chính sách, bảo đảm hiệu lực thực thi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu

Đi vào các vấn đề cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, cả nước hiện có khoảng 51.962 cơ sở y tế. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh trung bình là: 52.742.000 m3/năm (144.500 m3/ngày, đêm). Ước tính trung bình mỗi năm lượng nước thải y tế của bệnh viện tăng 5 - 7%. Về chất thải rắn, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trung bình là 184.179.000 tấn/năm (504.600 tấn/ngày); trong đó chất thải rắn y tế nguy hại là 29.400 tấn/năm (80,5 tấn/ngày). Ước tính trung bình mỗi năm lượng chất thải rắn y tế của bệnh viện tăng 7%.

Tỷ lệ nước thải y tế của bệnh viện được xử lý đến nay đạt 98%. Tỷ lệ chất thải rắn y tế của bệnh viện được xử lý đến nay đạt 98%. So với thời điểm trước khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, tỷ lệ chất thải rắn y tế của bệnh viện được xử lý tăng 3%; tỷ lệ nước thải y tế của bệnh viện được xử lý tăng 7%.

Về công nghệ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, có 3 hình thức xử lý đang được áp dụng gồm: xử lý tập trung bên ngoài khuôn viên cơ sở y tế, xử lý theo mô hình cụm và xử lý tại chỗ (tại cơ sở y tế). Công nghệ đang áp dụng là công nghệ đốt, vi sóng hoặc hấp ướt. Chất thải rắn y tế thông thường sẽ chuyển giao cho công ty môi trường đô thị ở địa phương để vận chuyển, xử lý tập trung.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương báo cáo tại cuộc làm việc

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương báo cáo tại cuộc làm việc

Đối với nước thải y tế, hầu hết (gần 100%) các cơ sở y tế đều đang áp dụng hình thức xử lý nước thải y tế tại chỗ. Hình thức xử lý theo cụm rất ít được áp dụng, chỉ áp dụng đối với một số cơ sở y tế được xây dựng liền kề nhau.

Phản ánh khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, Thứ trưởng cho biết, kinh phí bố trí cho việc đầu tư mới hoặc cải tạo, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở y tế, đặc biệt là cho các cơ sở y tế dự phòng chưa đáp ứng yêu cầu.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát, đã nêu các vấn đề Đoàn quan tâm; các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế làm rõ những vấn đề còn vướng mắc trong thực thi chính sách môi trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát, phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát, phát biểu

Đáng chú ý, ngân sách chi thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường của Bộ Y tế có xu hướng giảm mạnh, từ 21,9 tỷ đồng năm 2021 xuống còn 3,2 tỷ đồng năm 2024, trong khi các yêu cầu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng. Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm rõ phân bổ kinh phí như vậy có phù hợp với thực tiễn không?

Đoàn đề nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cung cấp thêm thông tin về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật hiện hành áp dụng đối với xử lý chất thải y tế; kế hoạch rà soát, sửa đổi các quy chuẩn này; tình hình xử lý các lò đốt chất thải y tế không đạt quy chuẩn tại các cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý; các giải pháp xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đối với cơ sở y tế thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Trần Thị Nhị Hà phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Trần Thị Nhị Hà phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An phát biểu

Liên quan đến việc thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia do Bộ Y tế chủ trì, Đoàn giám sát ghi nhận: chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đến năm 2025 được đặt ra là 85%. Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ này đã đạt 84%, dự kiến đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành chỉ tiêu chiến lược. Đoàn đề nghị Bộ Y tế làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chỉ tiêu và kiến nghị cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu

Tại cuộc làm việc, đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường; Tài chính; Khoa học và Công nghệ… đã tham gia giải trình các vấn đề liên quan.

Báo cáo Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp thu toàn diện ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát và bổ sung đầy đủ trong báo cáo theo yêu cầu của Đoàn. Trước thực tế vẫn còn tồn tại những khoảng trống và bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi và phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn bảo vệ môi trường trong ngành y tế.

Cần xây dựng, nhân rộng mô hình cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ giữa hoạt động của ngành y tế và công tác bảo vệ môi trường. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường chính là làm tốt việc bảo vệ sức khỏe của Nhân dân từ gốc, từ xa. Mặt khác, chính hoạt động của ngành y tế cũng phát sinh những tác động lớn đến môi trường, nếu không quản lý, kiểm soát tốt thì chính các cơ sở y tế lại có nguy cơ trở thành nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng ngược lại đến sức khỏe của cộng đồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ghi nhận bức tranh tổng thể về công tác bảo vệ môi trường trong ngành y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, với những điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành y tế vẫn đang đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp với thực tiễn và yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm thực thi nghiêm túc pháp luật về môi trường tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân.

Đặc biệt, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chính quyền các địa phương để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác bảo vệ môi trường. Những trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm minh; trách nhiệm người đứng đầu cơ sở y tế phải gắn chặt với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu và đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, công nghệ xử lý môi trường; chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn, nước thải y tế theo hướng hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong ngành y tế, đặc biệt trong công tác kiểm soát, quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động khám, chữa bệnh. Việc xây dựng và nhân rộng mô hình cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp cần được coi là một hướng đi chiến lược, đồng thời tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tới vai trò của công tác truyền thông và nâng cao nhận thức. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế và cả người bệnh, người nhà bệnh nhân cần được trang bị đầy đủ hiểu biết và hình thành ý thức thường xuyên, tự giác trong việc bảo vệ môi trường. Ngành y tế cần phát động các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả về giảm thiểu chất thải nhựa, tiết kiệm năng lượng, nước và vật tư y tế; khuyến khích sử dụng các sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng ngành y tế phát triển bền vững, hài hòa với môi trường và cộng đồng.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Toàn cảnh cuộc làm việc

Phát biểu kết luận cuộc việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Bộ Y tế trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, tiếp thu hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát trước ngày 2/8 tới đây.

Đối với những khó khăn, vướng mắc cụ thể đã rõ do quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật liên quan, Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp nghiên cứu rà soát, tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi các Nghị định liên quan và đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Tin: Hà Lan; Ảnh: Phạm Thắng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-le-minh-hoan-chu-tri-lam-viec-voi-bo-y-te-ve-thuc-hien-phap-luat-bao-ve-moi-truong-10380577.html