Phó Thủ tướng Lê Thành Long gặp mặt các tổ chức quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS
Sau Lễ mít tinh sáng 29/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã có buổi gặp mặt, trao đổi với các đối tác, các tổ chức quốc tế đã chung vai, sát cánh với ngành y tế trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS suốt thời gian qua.
Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Thành Long gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các đối tác, các tổ chức quốc tế đã chung vai, sát cánh với ngành y tế trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS suốt thời gian qua. Sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS.
Việt Nam là điểm sáng trong công tác phòng chống HIV/AIDS trên bản đồ thế giới
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã trải qua 34 năm ứng phó với đại dịch HIV, với gần 250.000 người nhiễm HIV. Từ khi HIV xuất hiện ở Việt Nam đến nay, công tác phòng, chống dịch luôn có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền các cấp, sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể, của nhân dân và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Giai đoạn 2005-2010, khi dịch HIV đạt đỉnh, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ, vào cuộc mạnh mẽ từ các tổ chức quốc tế, trong đó số tiền viện trợ từ các tổ chức, đối tác quốc tế chiếm tới 90% tổng ngân sách dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, giúp Việt Nam triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, điều trị, giảm thiểu sự lây lan của HIV. Nhờ sự hỗ trợ đó mà Việt Nam đã giảm được gần 1,2 triệu người nhiễm HIV và 320.000 người tử vong do AIDS.
Trong giai đoạn 2010-2020, nhờ có dự phòng, điều trị ARV và sự tham gia tích cực của các nhóm nguy cơ cao, số ca phát hiện HIV mới đã giảm đến 60%, từ 30.000 ca hàng năm xuống còn khoảng 10.000 ca/năm. Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, trở thành điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS khu vực và thế giới. Riêng năm 2023, Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về số ca được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) với hơn 67.000 người.
HIV giảm nhưng chưa bền vững
Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình thấp, tỷ lệ nhiễm HIV mới có xu hướng giảm, nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, đặc biệt là tại các khu vực miền núi, vùng sâu, nơi việc tiếp cận dịch vụ xét nghiệm và điều trị còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng đang gia tăng nhanh chóng ở nhóm trẻ tuổi (15-29 tuổi) tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó hơn 80% các ca nhiễm mới là nam quan hệ tình dục đồng giới. Thêm vào đó, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp trong nhóm thanh niên ngày càng gia tăng, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và các nhóm có nguy cơ cao vẫn còn tồn tại, làm giảm hiệu quả của công tác phòng ngừa, điều trị.
Trong khi đó, nguồn hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế đã và đang giảm mạnh, từ chỗ 90% thời gian đầu, nay chỉ còn khoảng 50% tổng ngân sách, gây khó khăn trong việc duy trì, mở rộng các chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Các tổ chức quốc tế cam kết đồng hành cùng Việt Nam chấm dứt dịch bệnh AIDS
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Eamonn Murphy - Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và khu vực Đông Âu – Trung Á chúc mừng những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam hướng tới mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Trong suốt nhiều năm làm công tác hỗ trợ đáp ứng với HIV ở Việt Nam và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ông Eamonn Murphy đã chứng kiến sự cam kết và vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của những người sống với HIV cũng như người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam không ngừng củng cố khung pháp lý về HIV, áp dụng mạnh mẽ các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV, nhanh chóng mở rộng tiếp cận của người dân tới các dịch vụ phòng, chống HIV dựa trên bằng chứng về hiệu quả.
Số nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm khoảng 60% so với năm 2010. Mức giảm này không những vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của toàn cầu.
UNAIDS vinh dự đã cùng các đối tác phát triển khác, trong đó nổi bật là Quỹ Toàn cầu và chương trình PEPFAR, được đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức cộng đồng của người sống với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, trong các nỗ lực để đạt được những thành tựu kể trên trong công tác phòng, chống HIV.
Ông Eamonn Murphy cho biết: "Hơn bao giờ hết, bây giờ chính là lúc Việt Nam cần dồn tổng lực để đẩy mạnh đáp ứng với HIV nhằm thực hiện được mục tiêu của quốc gia. Các tổ chức Liên hợp quốc và tôi tin rằng cả cộng đồng quốc tế, cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trên chặng đường còn lại hướng tới mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, không để dịch bùng phát trở lại sau năm 2030".
Ông Marc Knapper - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho biết: "Tôirất vui mừng khi thấy Việt Nam đã cam kết tăng cường vai trò tự chủ và lãnh đạo quốc gia về mặt tài chính, chính trị, kỹ thuật cho hoạt động ứng phó với HIV, phát huy những thành công trong điều trị, dự phòng. Cam kết quan trọng này được nêu rõ trong Kế hoạch Chiến lược quốc gia về HIV/AIDS của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Trong lĩnh vực điều trị, Việt Nam đã dẫn đầu thế giới về tính bền vững tài chính của chương trình ARV cho người sống với HIV/AIDS.
Tuy nhiên, PEPFAR và Quỹ Toàn cầu hiện tài trợ cho hầu hết các hoạt động dự phòng HIV ở Việt Nam. Mặc dù chúng tôi cam kết trong trung hạn sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, thuốc PrEP, dịch vụ cho những nhóm có nguy cơ cao nhất, nhưng Việt Nam cần đẩy mạnh các kế hoạch để dẫn dắt và cung cấp tài chính một cách bền vững cho các hoạt động dự phòng HIV một cách tổng thể".
"Chương trình PEPFAR sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan của Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp này. Chúng tôi sẽ tiếp tục là đối tác mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong việc đạt được tầm nhìn và mục tiêu chung trong phòng, chống HIV/AIDS. Với những cam kết rõ ràng từ tất cả các đối tác liên quan, tôi tin tưởng rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu chiến lược là chấm dứt dịch AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030", ông Marc Knapper nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu "Chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030", Việt Nam cần hành động nhanh và quyết liệt theo hướng tiếp cận toàn diện, đồng bộ các hoạt động: cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS; việc khu trú, khoanh vùng các ổ dịch, dập dịch cần nhanh chóng, bất kỳ một sự lơ là, thiếu tập trung và thực hiện không quyết liệt cũng có thể bùng dịch quay trở lại và không bảo vệ được những thành quả đạt được.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, phía Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ, duy trì và nỗ lực đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đồng thời, Phó Thủ tướng kêu gọi sự tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ từ các đối tác, tổ chức và cộng đồng quốc tế trong giai đoạn tới, để chúng ta có thể cùng nhau tạo ra một tương lai không còn HIV, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo công bằng xã hội.