Phòng chống dịch Covid-19: Cần một cách tiếp cận khoa học và phù hợp hơn

Với những gì đã trải qua trong những đợt dịch vừa qua, có thể thấy cách áp dụng các biện pháp hiện thời đối với những người bị nghi nhiễm (F1), và người đã nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng hiện nay là không còn phù hợp và có phần thái quá, mang tính cực đoan.

Ảnh: Nguyễn Diệu

Ảnh: Nguyễn Diệu

Ngày 13/7/2021 vừa qua, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân Covid-19. Cụ thể: Với các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế có thể xuất viện ngày thứ 10 khi hai lần xét nghiệm liên tiếp (cách nhau ít nhất 24h có kết quả âm tính hoặc dương tính nhưng có tải lượng vi rút thấp (CT ≥ 30) thì được xuất viện và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà trong 14 ngày mà không phải thực hiện cách ly. Với trường hợp dương tính Covid 19 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT ≥ 30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm sau 24h, nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính, hoặc dương tính nhưng giá trị CT ≥ 30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế tại nhà trong 14 ngày.

Về vấn đề cách ly, Bộ Y tế cũng quyết định giảm thời gian cách ly xuống 14 ngày, với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1. Khi phát hiện trường hợp tái dương tính sau khi đã xuất viện thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị tại cơ sở y tế và không cần phải cách ly và xử lý ổ dịch. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly và bàn giao, theo dõi y tế sau cách ly theo quy định.

Quy định mới kể trên là một sự thay đổi, được rút ra từ thực tế diễn biến trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Thế nhưng rất tiếc, chủ trương này cũng chưa được cụ thể hóa thành quyết định mang tính quy phạm pháp luật.

Với những gì đã trải qua trong những đợt dịch vừa qua, có thể thấy cách áp dụng các biện pháp hiện thời đối với những người bị nghi nhiễm (F1), và người đã nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng hiện nay là không còn phù hợp và có phần thái quá, mang tính cực đoan.

Bởi trước đây, vào đợt dịch năm 2020, khi nước ta đang có ít các ca nhiễm SARS-CoV-2, thì việc truy vết, khoanh vùng, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2 để dập dịch là rất hiệu quả. Bệnh dịch đã được ngăn chặn và không ai có thể phủ nhận những thành công trong phòng chống dịch của Việt Nam trong giai đoạn đó. Tuy nhiên bước sang năm 2021, khi làn sóng dịch bùng phát mạnh trở lại, với rất nhiều ca nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2, thì việc truy vết, khoanh vùng và cách ly tập trung tất cả những người nhiễm và nghi nhiễm như kịch bản của năm 2020 là không còn phát huy hiệu quả cao như mong muốn.

Không phải vô căn cứ mà ở nước ngoài, họ cho các F1 được cách ly tại nhà. Điều này đã được nghiên cứu và có cơ sở thực tiễn. Thực tế cho thấy, nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 không có biểu hiện triệu chứng bệnh gì, không nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc đưa nhiều F0 không triệu chứng này vào bệnh viện điều trị bắt buộc như hiện nay, là không cần thiết, thậm chí là một sự lãng phí. Điều này đã tạo nên gánh nặng và sự quá tải đối với ngành y tế; làm mất đi cơ hội được chăm sóc y tế đầy đủ như trước, của nhiều bệnh nhân nặng khác.

Trong khi đó, với hệ thống và nhân lực y tế cơ sở (phường, xã) như hiện nay, thì chúng ta đủ sức giám sát, điều trị đối với những F0 không có triệu chứng bệnh này tại nhà riêng của họ.

Tương tự như vậy, việc gom một số lượng rất lớn người nghi nhiễm SARS-CoV-2 vào các khu cách ly tập trung để như hiện nay sẽ rất phức tạp, tốn kém. Nhiều F1 đã trở thành F0 do bị lây chéo trong khu cách ly.

Không những thế, việc cách ly tập trung còn gây hoang mang, đình trệ các hoạt động kinh tế trong xã hội, thiệt hại không thể tính hết được.

Trong khi đó do hạn chế nhất định về truyền thông, nhất là mạng xã hội, một bộ phận không nhỏ đã hiểu chưa đúng, thậm chí có phần cực đoan về Covid-19, tạo nên sự hoang mang trong xã hội. Hậu quả là nhiều người không may bị COVID-19 đã bị kỳ thị, phân biệt, thậm chí bị xem như tội đồ và bị bêu rếu trên mạng xã hội.

Thực trạng dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh hiện nay cho chúng ta thấy, nếu không có sự thay đổi căn bản về phòng chống dịch cho những ngày tháng sắp tới, thì sẽ có rất nhiều địa phương khác bị quá tải bệnh nhân, khủng hoảng về dịch bệnh Covid-19 nặng nề như, hoặc hơn TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Trong lúc này, rất mong những người có trách nhiệm sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học. Hãy dám nhìn vào thực tế đang xảy ra, để mạnh dạn có cách tiếp cận vấn đề khoa học và phù hợp hơn nhằm phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn./.

Thế Sơn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phong-chong-dich-covid-19-can-mot-cach-tiep-can-khoa-hoc-va-phu-hop-hon-a4271.html