Phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Bệnh nghề nghiệp (BNN) là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới người lao động (NLĐ). Nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng chống BNN, tai nạn lao động, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ.

Công ty TNHH Padmac Việt Nam tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 100% lao động.

Công ty TNHH Padmac Việt Nam tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 100% lao động.

Cuối tháng 9/2024, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức triển khai mô hình “Sức khỏe của bạn” gồm các nội dung truyền thông, khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho 600 công nhân lao động nữ tại Công ty TNHH Dream Plastic Nam Định (Trực Ninh). Tại chương trình, NLĐ ngoài được khám tổng quát và tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, phòng tránh BNN, lao động nữ còn được chia sẻ kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, những dấu hiệu nhận biết một số bệnh phụ khoa; tư vấn cách chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, các vấn đề xây dựng nền tảng hạnh phúc gia đình.

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về vấn đề sức khỏe lao động, công tác bảo đảm ATVSLĐ, các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động, cháy nổ và BNN, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn trong lao động của người sử dụng lao động và NLĐ. Tuyên truyền, giáo dục người sử dụng lao động và NLĐ về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, sức khỏe, tính mạng của NLĐ trong vai trò là tài sản của doanh nghiệp. Các ngành, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ cũng triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ; khám sức khỏe định kỳ, khám BNN, kịp thời phát hiện, điều trị bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.Các đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ yếu như: kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng. Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều lập kế hoạch, biện pháp ATLĐ, VSLĐ và cải thiện điều kiện lao động. NLĐ làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ, kiểm tra sát hạch và được cấp chứng chỉ. Các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ-PCCN cho cán bộ, công nhân lao động, người học nghề khi tuyển dụng và sắp xếp lao động.

Hàng năm, UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ; tăng cường thanh tra các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ, phòng chống BNN. Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đều thành lập bộ máy thực hiện công tác ATVSLĐ, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, cải thiện điều kiện lao động; hầu hết các doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; khám phát hiện BNN cho lao động nặng nhọc, có nguy cơ cao. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp tự kiểm tra, thực hiện tốt công tác ATVSLĐ; cải thiện điều kiện làm việc; kiên quyết xử phạt những trường hợp vi phạm quy định về ATVSLĐ. Đặc biệt đối với công tác phòng tránh BNN, khám phát hiện BNN hàng năm là việc làm cần thiết nhằm theo dõi sức khỏe của NLĐ để phát hiện sớm các bệnh. Bảo vệ sức khỏe cho NLĐ đồng nghĩa với việc bảo vệ nguồn nhân lực, góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững. Theo quy định của Nhà nước, doanh nghiệp sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, kể cả người học nghề, tập nghề ít nhất mỗi năm một lần; đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất 6 tháng một lần; lao động nữ phải được khám phụ khoa; người có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây BNN phải được khám phát hiện BNN; NLĐ bị tai nạn lao động, BNN phải được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động…

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp lớn, có đông lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho lao động nặng nhọc, có nguy cơ cao. Tiêu biểu như các đơn vị: Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty TNHH May Youngone Nam Định, Công ty TNHH MTV Giầy Thành Bách (KCN Hòa Xá), Công ty TNHH Padmac Việt Nam, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam - KCN Bảo Minh (Vụ Bản), Công ty TNHH Dream Plastic Nam Định (Trực Ninh)… Công ty TNHH Padmac Việt Nam hiện có 1.350 công nhân, từ đầu năm đến nay đã tổ chức 2 đợt khám sức khỏe định kỳ cho 100% NLĐ. Công ty TNHH MTV Giầy Thành Bách chuyên sản xuất giày da và giầy thể thao xuất khẩu, hiện có trên 1.000 lao động. Theo lãnh đạo công ty, để có lực lượng lao động khỏe mạnh, gắn bó lâu dài, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, cùng với việc không ngừng nâng cao thu nhập cho NLĐ từ 6,5 đến 14 triệu đồng/người/tháng, Công ty đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống cho NLĐ. Hàng năm đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ theo quy định cho công nhân; nếu phát hiện NLĐ có bệnh thì chuyển công nhân đó đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị và sắp xếp việc làm hợp lý.

Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho NLĐ, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác ATVSLĐ; chỉ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ làm việc ở những bộ phận có nguy cơ cao. Nguyên nhân các doanh nghiệp này đưa ra là do khó khăn về kinh phí. Mặc dù đây là quy định của Bộ luật Lao động, doanh nghiệp, chỉ sử dụng lao động nếu không thực hiện mà không có thỏa thuận với NLĐ theo đúng quy định thì là vi phạm phải bị xử lý, song trên thực tế việc xử lý còn nhiều bất cập. Điều này gây thiệt thòi cho NLĐ.

BNN bào mòn sức khỏe NLĐ, làm giảm hiệu quả và năng suất, tăng nguy cơ gây tai nạn lao động. Song BNN hoàn toàn có thể phòng, tránh nếu có sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và ý thức của bản thân NLĐ. Vì lợi ích của NLĐ và của chính doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần thực hiện tốt công tác ATVSLĐ; tự giác, chủ động phối hợp với cơ sở y tế để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Đồng thời, bản thân NLĐ cũng cần nâng cao kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc BNN. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ trong công tác đảm bảo ATVSLĐ; phòng, chống BNN. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về ATVSLĐ, chính sách chăm sóc sức khỏe đối với NLĐ./.

Bài và ảnh: Minh Tân

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202411/phong-tranh-benh-nghe-nghiep-cho-nguoi-lao-dong-f731bae/