Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ở Phú Cần

Cùng với các hoạt động xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, thời gian qua Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần chú trọng thực hiện chương trình 'Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp'. Từ chương trình đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong hội viên thanh niên.

Anh Thạch Ly Na chăm sóc chanh giấy trồng xen vườn dừa sáp của gia đình.

Anh Thạch Ly Na chăm sóc chanh giấy trồng xen vườn dừa sáp của gia đình.

Anh Thạch Ly Na, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên ấp Cầu Tre là một trong những thanh niên tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp của xã Phú Cần. Xuất thân trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ anh Ly Na đã quen với việc đồng án nên khi trưởng thành anh Ly Na muốn tiếp tục phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình. Nhưng do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng nên những năm gần đây việc canh tác lúa không đem lại hiệu quả kinh tế nên anh Ly Na quyết định tìm hướng đi mới. Qua các phương tiện truyền thông cũng như những lần được tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế của thanh niên trong và ngoài địa phương, năm 2022 anh quyết định chuyển đổi 1,2ha đất ruộng lên liếp trồng dừa sáp xen chanh giấy.

Anh Ly Na chia sẻ: trồng dừa sáp xen chanh giấy thì nhẹ công chăm sóc. Với diện tích 1,2ha đất, tôi trồng khoảng 350 gốc dừa sáp và trên 300 cây chanh, tổng chi phí ban đầu khoảng 30 - 40 triệu đồng; hiện tại vườn dừa sáp xen chanh phát triển tốt. Ngoài ra, tôi còn tận dụng cỏ trong vườn để nuôi bò sinh sản.

Chị Lương Thị Kim Loa, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban Hội LHTN Việt Nam xã Phú Cần cho biết: Phú Cần hiện có 146 hội viên Hội LHTN tham gia sinh hoạt tại 11 chi hội trực thuộc. Thời gian qua, Ủy ban Hội xã đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, gắn với tình hình thực tế của địa phương như: hỗ trợ thanh thiếu nhi học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp; nhân rộng các mô hình sân chơi giải trí, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp học tập.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong việc xây dựng các giải pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ thanh niên công nhân, thanh niên lao động tự do, thanh niên hoàn cảnh khó khăn, thanh niên yếu thế để có cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm; tiếp tục thành lập và phát huy vai trò của các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm giúp đỡ thanh niên lập nghiệp; tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ thanh niên xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên ở địa phương.

Ủy ban Hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên, thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, tham gia các sàn giao dịch việc làm do tỉnh tổ chức, phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho thanh niên nông thôn. Trong 05 năm qua, Ủy ban Hội duy trì hoạt động hiệu quả 03 tổ vay vốn, có 114 thành viên vay số vốn đến nay trên 4,5 tỷ đồng; qua kiểm tra các thành viên đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, duy trì 03 tổ tiết kiệm có 114 thành viên tham gia, số dư tiền gửi đến nay trên 238 triệu đồng.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Ủy ban Hội đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 20 triệu đồng giúp chị Trần Ngọc Trang, thanh niên ấp Bà Ép thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản.

Ngoài ra, Ủy ban Hội còn phối hợp với các ngành tổ chức tư vấn, hướng nghiệp 250 thanh niên và giới thiệu việc làm cho 500 lượt hội viên thanh niên, đạt 100% so Nghị quyết. Trong đó, phối hợp với các ngành có liên quan đưa 65 thanh niên xuất khẩu lao động. Giai đoạn 2019 - 2024, Ủy ban Hội duy trì 03 mô hình phát triển kinh tế trong hội viên thanh niên: mô hình “Nuôi bò sinh sản” của thanh niên Trần Minh Phú, ấp Sóc Tre; mô hình “Trồng bắp nữ hoàng” của thanh niên Chung Hoài Hận, Chi hội Trường Tiểu học Phú Cần A; mô hình “Trồng dưa lưới trong nhà màng” của thanh niên Nguyễn Vũ Xuyên, ấp Sóc Tre. Đến nay, các mô hình đều đang hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, Ủy ban Hội còn vận động 15 hội viên thanh niên tham gia vào mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Cần, với tổng số vốn góp 30 triệu đồng.

Thời gian tới để đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam xã Phú Cần tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, các chính sách hỗ trợ để giúp đoàn viên, hội viên, thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình điển hình tiên tiến; nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên, thanh niên có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện các tiêu chí XDNTM kiểu mẫu của địa phương.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/phong-trao-thanh-nien-lap-than-lap-nghiep-o-phu-can-37904.html