Phòng trừ các đối tượng gây hại trên lúa vụ mùa

Thời điểm này, Sở NN&PTNT ghi nhận toàn tỉnh đã có gần 100 ha lúa vụ mùa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, 6 ha nhiễm bệnh vàng lá do ngộ độc hữu cơ. Ngoài ra, một số đối tượng như rầy, chuột, bệnh đạo ôn và các bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn… cũng đang xuất hiện, có khả năng gây hại mạnh trong thời gian tới nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Nông dân xóm Trung Thành, xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình) làm cỏ, theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa.

Theo thông báo của Cục BVTV, sau ảnh hưởng của cơn bão số 2 và hoàn lưu sau bão kéo dài, tại nhiều tỉnh, thành phố, mật độ trưởng thành rầy lưng trắng tăng mạnh, trong đó mẫu rầy lưng trắng nhiễm virus lùn sọc đen cao. Tại tỉnh ta cũng ghi nhận có mẫu lúa, trưởng thành rầy lưng trắng dương tính với bệnh lùn sọc đen tại TP Hòa Bình. Hiện, rầy cám lứa 5 đang rộ, mật độ phổ biến từ 500 - 700 con/m2, cao từ 1.000 - 2.000 con/m2. Từ nay đến ngày 20/8 sẽ là cao điểm phát sinh gây hại của rầy lứa 5, đồng thời cũng truyền bệnh lùn sọc đen cho diện tích lúa mùa. Vì vậy, bệnh lùn sọc đen sẽ phát sinh, gây hại mạnh trên lúa từ ngày 20/8 - 5/9, giai đoạn lúa đứng cái - ôm đòng - trỗ bông.

Đồng chí Phạm Huyền Liễu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) TP Hòa Bình cho biết: Qua kiểm tra đồng ruộng, đã phát hiện có 800 m2 lúa tại khu vực xóm Đầm Bài, xã Thịnh Minh bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp chính quyền, nông dân địa phương tiến hành xử lý ngay bằng cách phun thuốc BVTV để phòng trừ, hiện đã cơ bản kiểm soát được tình hình sâu bệnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, phường tăng cường tuyên truyền, cán bộ chuyên môn phối hợp với nông dân tích cực bám sát đồng ruộng để theo dõi diễn biến sâu bệnh.

Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn được dự báo sẽ gây hại mạnh trên diện tích lúa lai (Nhị ưu 383, TH3-3, GS9) và giống lúa chất lượng như Bắc thơm số 7, RVT, BC15. Bệnh phát sinh hại mạnh từ cuối tháng 7 đến cuối vụ, đặc biệt sau những đợt mưa dông, chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão. Những ruộng bón thừa đạm, bón đạm muộn, không cân đối, những giống lúa lá to bản, lá mềm, màu xanh đậm sẽ bị hại nặng.

Bệnh khô vằn cũng được dự báo phát sinh và gây hại từ đầu tháng 8 trên trà lúa mùa sớm, cao điểm gây hại từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9. Tỷ lệ phổ biến 7 - 10%, cao từ 20 - 50% số lá, có ruộng trên 70% số lá, bệnh nặng sẽ hại cả bẹ lá đòng làm nghẹn đòng, khô lá, hạt lép lửng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Ngoài ra, chuột gây hại, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh vàng lá, đạo ôn... vẫn phát sinh và gây hại trên các trà lúa.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sâu, bệnh hại gây ra, Sở NN&PTNT, Chi cục TT& BVTV đã có các công văn về việc tập trung phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Theo đó, các huyện, thành phố cần phân công nhiệm vụ, địa bàn cho từng cơ quan chuyên môn cấp huyện, xã trong chỉ đạo sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa và cây trồng khác. Với những đối tượng như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn… cần chủ động phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không để bùng phát thành dịch, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tăng cường chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho lúa đã cấy; bón cân đối đạm, lân, kali và bổ sung thêm phân bón lá.

Chi cục TT&BVTV lưu ý, Trung tâm DVNN các huyện, thành phố cần phối hợp theo dõi thời tiết trong thời gian tới, nắm bắt cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, phân vùng giống nhiễm các đối tượng dịch hại trên các nhóm cây trồng; phấn đấu dự báo cao điểm gây hại của từng đối tượng ít nhất trước 10 ngày để giúp cơ sở và nông dân phòng trừ hiệu quả. Đối với các đối tượng dịch hại được phòng trừ bằng thuốc BVTV, phải sử dụng đúng theo hướng dẫn in trên bao bì, không tự ý phun khi chưa có hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/144584/phong-tru-cac-doi-tuong-gay-hai-tren-lua-vu-mua.htm