Phòng trừ rầy gây hại lúa mùa

Hiện nay, hơn 28 nghìn ha lúa mùa trong giai đoạn làm đòng, một số diện tích lúa bắt đầu trỗ bông. Trên lúa mùa, các đối tượng sâu, bệnh đang phát sinh gây hại mạnh ở các trà lúa, đặc biệt rầy nâu, rầy lưng trắng có nguy cơ bùng phát từ nay đến cuối vụ, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây cháy rầy diện rộng.

Nông dân huyện Ân Thi phòng trừ sâu, bệnh cho lúa mùa

Rầy nâu, rầy l¬ưng trắng là loại côn trùng chích hút, gây hại cho cây lúa. Rầy non và tr¬¬ưởng thành chích vào cây lúa để hút nhựa, làm cho cây lúa vàng, úa, còi cọc, chết khô (hiện t¬¬ượng cháy rầy), ban đầu là từng đám, sau cháy cả vạt, có thể lan rộng ra cả ruộng và cả cánh đồng nếu không phòng trừ kịp thời. Qua công tác kiểm tra đồng ruộng của Chi cục BVTV, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 (rầy cám) rộ từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, gây hại diện hẹp trên lúa mùa sớm. Mật độ trung bình 100 - 300 con/m2, nơi cao 500 con/m2, cá biệt có ổ trên 2.000 con/m2. Từ giữa tháng 8 đến nay và dự kiến đến đầu tháng 9, rầy lứa 6 (rầy cám) rộ gây hại mạnh chủ yếu trên lúa mùa sớm ở giai đoạn đòng - trỗ - chắc xanh; mật độ phổ biến 800 - 1.000 con/m2, cao 5.000 - 7.000 con/m2, cá biệt có ổ trên 1 vạn con/m2. Nếu phòng, trừ không tốt sẽ cháy nhiều ổ từ đầu tháng 9 trở đi, mức độ hại khả năng cao hơn vụ mùa năm 2020. Rầy lứa 7, rầy cám rộ từ giữa đến cuối tháng 9, có sự xen gối lứa và có khả năng gây hại diện rộng; mật độ trung bình 500 - 1.000 con/m2, nơi cao 3.000 - 5.000 con/m2, cá biệt có ổ trên 10.000 con/m2, mức độ hại khả năng cao hơn vụ mùa năm 2020. Nếu không phòng, trừ kịp thời sẽ cháy rầy ở mức cao hơn vụ mùa năm trước.

Từ đầu tháng 8 đến nay, sâu, bệnh gây hại lúa mùa có chiều hướng gia tăng trên các trà lúa, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng có điều kiện phát sinh. Cùng với nông dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực phòng, trừ sâu, bệnh gây hại lúa, cán bộ chuyên môn và nông dân trên địa bàn huyện Ân Thi đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, điều tra sự phát sinh của rầy nâu, rầy lưng trắng. Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy được hơn 7,3 nghìn ha, đến ngày 23.8, một số diện tích lúa đã bắt đầu trỗ bông. Ngoài các đối tượng sâu bệnh gây hại lúa hiện nay như bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ, một số diện tích lúa mùa trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng. Nhằm chủ động phòng, trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, phòng Nông nghiệp và PTNT, trạm BVTV, trạm khuyến nông huyện phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh, phát triển của rầy trên từng thửa ruộng, khuyến cáo nông dân thường xuyên giữ đủ nước để phun trừ rầy đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, hơn 3,6 nghìn ha lúa mùa của huyện Tiên Lữ sinh trưởng, phát triển tốt, đến ngày 23.8, trên các trà lúa bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn gây hại gia tăng, diện tích nhiễm gần 250 ha, nông dân đã phun thuốc phòng, trừ được hơn 400 ha; ngoài ra rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện rải rác và có xu hướng phát triển nhanh trong thời gian tới. Để chủ động phòng, trừ sâu, bệnh hại lúa đến cuối vụ, thời gian qua huyện đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng điều tra và biện pháp phòng trừ sâu, bệnh trên lúa mùa cho hàng nghìn lượt hộ nông dân các xã, thị trấn. Trước dự báo diễn biến của rầy nâu, rầy lưng trắng có khả năng gây hại nặng hơn vụ mùa năm trước, huyện có công văn hướng dẫn biện pháp phòng, trừ đến các địa phương, đồng thời yêu cầu hệ thống truyền thanh cơ sở thường xuyên tuyên truyền để nông dân chủ động phòng, trừ đạt hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: Giai đoạn lúa làm đòng - chắc xanh nếu mật độ rầy cám cao cần sử dụng các loại thuốc nội hấp Chess 50WG, Chatot 600WG (khi phun không cần rẽ lúa). Nếu rầy tuổi lớn (tuổi 3 trở lên) hoặc thời kỳ lúa đã đỏ đuôi phải phòng trừ bằng các loại thuốc tiếp xúc như Bassa 50EC, Jetan 50EC, Nibas 50EC, Hopsan 75EC. Trước khi phun thuốc nhất thiết phải rẽ lúa thành từng băng 5 - 6 hàng lúa và phun trực tiếp vào nơi rầy cư trú để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy ở phần gốc lúa. Phòng trừ rầy đạt hiệu quả cao, yêu cầu trên ruộng phải có nước và kiểm tra, chống tái nhiễm rầy sau khi dùng thuốc trừ rầy có tính tiếp xúc; những ruộng lúa bị đổ mà có mật độ rầy cao cần dựng buộc lại trước khi phun thuốc trừ rầy; chỉ được rút nước làm vụ đông khi mật độ rầy không còn khả năng gây cháy lúa.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202108/phong-tru-ray-gay-hai-lua-mua-ebf0970/