Phóng viên trẻ và chuyện nghề…

Hồi tháng 5/2019, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được thông tin về một chương trình thi nhan sắc và thời trang cho trẻ em lứa tuổi từ 4 đến 14 tuổi ở Thanh Hóa. Chương trình này được quảng cáo tổ chức rầm rộ với số lượng thí sinh và người nhà tham gia khoảng trên 300 người, thế nhưng lại không hề có giấy phép cũng như sự đồng ý của chính quyền sở tại.

Những lời lẽ xúc phạm phóng viên trong quá trình tác nghiệp

Những lời lẽ xúc phạm phóng viên trong quá trình tác nghiệp

Trước tình trạng rất nhiều cuộc thi chui nhằm mua bán giải thưởng, kiếm tiền dưới mọi hình thức, Lãnh đạo Ban Văn hóa Xã hội đã đồng ý để tôi triển khai loạt bài về cuộc thi này với mục đích cảnh báo các bậc phụ huynh không nên vì chút hư danh mà để con trẻ tham dự những chương trình trái pháp luật. Trong quá trình thực hiện đề tài này, phóng viên gặp phải những phen lận đận, bị xúc phạm, thậm chí bị dọa dẫm.

Trước khi chương trình diễn ra khoảng 1 tuần, tôi đến Sầm Sơn - Thanh Hóa, nơi tổ chức cuộc thi sắc đẹp, thời trang cho trẻ em với tên gọi Thiên thần của biển. Sau khi thu thập đầy đủ thông tin cũng như sự xác nhận của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Phòng Thông tin Thành phố Sầm Sơn được biết cuộc thi Thiên thần của biển chưa được cấp phép và các cơ quan chức năng sẽ không cho tổ chức nếu không hoàn tất các thủ tục pháp lý. Tiếp đó, tôi có liên hệ làm việc với ban tổ chức cuộc thi để tìm hiểu thông tin cũng như đảm bảo yếu tố khách quan của bài báo sau này.

Thế nhưng trao đổi nhanh qua số điện thoại 09115282xx người tự xưng là Hiếu, Giám đốc Công ty Newchance Việt Nam, Unicorn Việt Nam là đơn vị tổ chức cuộc thi nói với phóng viên rằng: “Anh là Hiếu, đang làm tại Đài Truyền hình Việt Nam, chương trình sắp tới là một phân nhánh của bên anh ở Thanh Hóa”.

Người này còn dạy dỗ phóng viên: “Nếu như chỉ là phóng viên em không có quyền để hỏi giấy phép biểu diễn hay giấy phép tổ chức gì cả. Xin lỗi nếu em hỏi về giấy phép thì em đi hỏi những đơn vị mới làm thôi, công ty anh hơn 10 năm rồi anh cũng là dân VTV, 16 năm, cái đó anh nắm rất là chắc. Nếu em chỉ là phóng viên em không có quyền đi hỏi giấy phép biểu diễn của bất cứ một bên nào…”.

Khi phóng viên giải thích về mặt pháp lý, không có giấy phép thì làm sao có thể tổ chức hoạt động biểu diễn, thi thố thì vị này quay sang ngọt nhạt: “Giấy phép em không xem được đâu nhưng nếu em muốn quảng cáo, hợp tác hay hỗ trợ gì thì anh em mình hỗ trợ nhau, anh có rất nhiều chương trình như vậy”.

Ban tổ chức cuộc thi ban đầu từ chối làm việc, gây áp lực không xong thì quay sang ngọt nhạt, mời chào phóng viên, khi không đạt được mục đích thì quay sang dùng mạng xã hội chửi bới, vu khống và bôi nhọ phóng viên. Trên diễn đàn tổ chức cuộc thi này viết: “Hiện tại đã có rất nhiều phụ huynh bị một số kẻ lạ mạo danh là nhà báo hỏi về giấy phép trình diễn của Thiên thần. Họ yêu cầu phụ huynh cung cấp thông tin chuyển khoản của phụ huynh về ban tổ chức cho họ… đúng 2 ngày nữa gần ngày trình diễn ban tổ chức sẽ công khai giấy phép trình diễn cho tất cả phụ huynh được biết. Và ban tổ chức đã báo công an vào cuộc xác minh xem những người đó là ai”.

Không chỉ dừng lại ở đó dưới bình luận còn có những lời lẽ vu khống phóng viên một cách trắng trợn. “Báo luôn công an vào cuộc xem nó là báo gì. Không xin được phong bì quay ra làm trò, còn mình làm thì mình có đầy đủ giấy tờ, còn mấy thằng đấy không đủ thẩm quyền để hỏi giấy phép”.

Dù bị xúc phạm, phóng viên vẫn không nản lòng và càng đi đến tận cùng của những sai phạm của cuộc thi Thiên thần của biển. Và rồi loạt bài phanh phui sai phạm này xuất bản trên các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam. Nhiều phụ huynh nhận thức rõ được vấn đề, thấy được mục đích không trong sáng của ban tổ chức cuộc thi nên đã hủy lịch không cho con đi thi nữa cho dù trước đó họ đã nộp tiền cho ban tổ chức.

Những tưởng mọi chuyện đã dừng lại, thế nhưng ban tổ chức cuộc thi Thiên thần của biển vẫn cố tình tổ chức. Họ đổi tên chương trình thành “Gala Dinner thiên thần của biển” để lách luật thậm chí thay đổi địa điểm thi nhiều lần nhằm qua mắt lực lượng chức năng và để làm an lòng thí sinh và người nhà.

Nhận được tin, ngày 18/5 phóng viên lại có mặt tại TP Sầm Sơn, phối hợp với Phòng Văn hóa — Thông tin Ủy ban nhân dân Thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) ghi nhận tình hình cũng như xử lý nếu có sai phạm. Từ khoảng 15h đến gần 23h, ban tổ chức cuộc thi này di chuyển sân khấu khoảng 5 lần, thế nhưng do chương trình không được cấp phép nên tất cả các đơn vị cho thuê địa điểm sân khấu đều từ chối phục vụ.

Đỉnh điểm, khi thấy phóng viên xuất hiện, có đối tượng đến đe dọa: “Đã biết mày là thằng nào và sẽ không để yên đâu!”. Điều này không làm phóng viên nản lòng. Ngày hôm sau, trang mạng cá nhân của người viết bài này liên tục bị những người lạ vào chửi rủa xúc phạm, thậm chí còn lập tài khoản giả nhằm mục đích xấu.

Không nản chí, ngày 21/5 Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục đăng tải bài viết “Biến tướng cuộc thi Thiên thần của biển 2019 không phép ở Sầm Sơn” chỉ rõ những sai phạm, những mất mát, ảnh hưởng nếu chương trình này được diễn ra. Sau loạt bài của Báo Pháp luật Việt Nam, phụ huynh nhiều người đã nhận ra vì chút “danh hão” của con cái và chính mình mà bị lợi dụng.

Phòng Văn hóa — Thông tin Ủy ban nhân dân Thành phố Sầm Sơn và một số đơn vị liên quan đã ghi nhận vấn đề, cảm ơn sự vào cuộc cung cấp thông tin của Báo Pháp luật Việt Nam đã góp phần làm cho công tác quản lý văn hóa, biểu diễn ở địa phương được tốt và đúng pháp luật hơn. Còn người viết dù có chút tủi hờn, nhưng hơn cả là mình đã vượt qua được những điều vụn vặn để trưởng thành hơn trong nghề làm báo vốn quá nhiều những áp lực và khó khăn…

Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/phong-vien-tre-va-chuyen-nghe-457968.html