Phụ nữ Sán Dìu gìn giữ làn điệu Soọng Cô
Hình ảnh những người phụ nữ Sán Dìu cao tuổi ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên say sưa ngân nga câu đối đáp Soọng Cô là điểm sáng trong việc giữ gìn di sản, tạo không gian sinh hoạt tinh thần lành mạnh, gắn kết cộng đồng.

Bà Ân Thị Long chia sẻ, bà rất vui khi góp phần giữ gìn, lưu truyền điệu hát Soọng Cô truyền thống của cha ông
Thái Nguyên hiện là địa phương có cộng đồng Sán Dìu đông nhất cả nước (ước khoảng 5 vạn người, chiếm khoảng 30% người Sán Dìu toàn quốc). Cùng với các loại hình của các tộc người khác như Then, Sli, Lượn của Tày; Khắp của Thái; Sình ca của Cao Lan; Xắng cọ của Sán Chỉ…, nghệ thuật Soọng Cô góp phần làm giàu bức tranh văn hóa dân gian địa phương. Tuy nhiên, cũng như nhiều di sản phi vật thể, Soọng Cô đối mặt không ít thách thức: Lớp nghệ nhân giảm, ít người trẻ hiểu tiếng, biết hát đúng làn điệu, đời sống hiện đại kéo theo thay đổi sinh hoạt cộng đồng…
Làn điệu dân ca ngọt ngào Soọng Cô nhiều năm qua đứng trước nguy cơ mai một khi lớp nghệ nhân cao tuổi thưa dần, lớp trẻ ít người biết hát. Gần 2 năm trước, vào tháng 10/2023, tại tỉnh Thái Nguyên, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Hỷ (cũ) đã phối hợp với UBND xã Minh Lập (nay là xã Đồng Hỷ) thành lập CLB hát Soọng Cô. Thành viên nòng cốt của CLB là 25 người phụ nữ trung niên, cao tuổi ở hai xóm An Bình và Bình Ca.

Những thành viên đầu tiên của CLB hát Soọng Cô tại Minh Lập, Đồng Hỷ, Thái Nguyên vào năm 2023
Một trong những gương mặt tích cực của CLB là bà Ân Thị Long, năm nay đã 70 tuổi. "Ngày xưa còn bé chúng tôi hay đi xem văn nghệ, nghe các anh chị hát. Nhiều năm rồi tôi không được nghe cũng như không hát Soọng Cô, giờ lớn tuổi mới phải học lại, thấy mình học chậm, khó nhớ nhưng vẫn cố. Còn nói được, hát được thì còn tham gia cho vui, để khôi phục tiếng nói, câu hát truyền sang thế hệ sau, không để mất gốc", bà chia sẻ.
Bà Long cho biết, công việc chính của bà là làm nông, cả đời gắn với ruộng nương, chè cỏ. Nay tuổi đã cao, con cháu đi làm xa, việc tham gia CLB hát Soọng Cô trở thành một niềm vui tuổi già của bà. Ngoài việc giao lưu, biểu diễn tại Đồng Hỷ, CLB còn có dịp tham gia nhiều chương trình tại các địa phương khác trong tỉnh, tạo thêm hứng khởi cho người hát và quảng bá làn điệu Soọng Cô như bà. "Nếu không có CLB thì tôi chỉ quanh quẩn ở nhà thôi. Rất vui là con cháu tôi ủng hộ, tôi muốn đi đâu xa thì chở đi. Đi tập cũng mất nhiều thời gian, lại phải chăm chút trang phục, nhưng tôi thấy vui, thấy mình có ích, nhất là trong việc góp phần bảo tồn nghệ thuật dân gian của người Sán Dìu", bà Long bày tỏ.
Tương tự bà Ân Thị Long, bà Phạm Thị Ngọc (sinh 1967, cũng là người Sán Dìu ở xã Đồng Hỷ), tham gia CLB hát Soọng Cô từ những ngày đầu. Bà Ngọc cho biết, ngoài việc được tỉnh và xã quan tâm thì CLB của bà còn nhận được sự quan tâm, đồng hành của HTX dược liệu Thiên Phúc - nơi bà là một thành viên. HTX này được thành lập bởi chị Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ giành giải Ba toàn quốc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Việc tham gia sản xuất dược liệu kết hợp sinh hoạt văn hóa giúp bà và nhiều phụ nữ khác trong CLB nâng cao thu nhập, tự tin hơn và vui vẻ hơn. Bà Ngọc cho biết: "Chị Bình hỗ trợ chúng tôi tham gia tập huấn, kết nối để chúng tôi đi biểu diễn ở các tỉnh, đồng hành cùng bảo tồn, phát huy nghệ thuật Soọng Cô".

Bà Ân Thị Long và bà Phạm Thị Ngọc hát Soọng Cô khi thu hoạch hoa sâm tại HTX dược liệu Thiên Phúc
Có thể thấy, ngoài việc bảo tồn những câu hát cổ, việc tham gia sinh hoạt CLB hát Soọng Cô khiến những người phụ nữ lớn tuổi như bà Long, bà Ngọc có thêm động lực rèn luyện trí nhớ, giao lưu, cải thiện đời sống tinh thần; đồng thời góp tiếng nói về bình đẳng văn hóa, khẳng định vai trò chủ thể di sản. Từ những buổi tập "thỉnh thoảng" ban đầu, mỗi lần cất giọng lại là một lần các thành viên ôn lại vốn ngôn ngữ, cách luyến láy, nhịp phách. Quá trình đó, tuy "vất vả" như lời bà Long, vẫn được họ xem là niềm vui, là cách "già khỏe có ích". Sự bền bỉ ấy nếu tiếp tục được hỗ trợ bằng cơ chế, lớp truyền dạy có phương pháp, tạo thêm sân khấu biểu diễn gắn với sản phẩm du lịch sẽ là nền tảng để Soọng Cô không chỉ sống trong ký ức mà hiện hữu sinh động trong đời sống đương đại.
Giữ gìn nghệ thuật Soọng Cô hôm nay, vì thế, không chỉ là bảo tồn một loại hình âm nhạc dân gian mà còn là gìn giữ "sợi dây" kết nối cộng đồng, hun đúc bản sắc tộc người Sán Dìu trong dòng chảy hội nhập. Và hình ảnh những người phụ nữ tuổi 60, 70 ở Đồng Hỷ say sưa ngân nga câu đối đáp chính là minh chứng thuyết phục cho sức sống bền bỉ của di sản.
Hát Soọng Cô là hình thức đối đáp giàu chất trữ tình giữa nam và nữ, giữa các nhóm, xuất hiện trong lao động, lễ cưới hỏi, mừng nhà mới, dịp lễ Tết, lúc nông nhàn, thậm chí khi ru con ngủ… của người Sán Dìu. Trong kho tàng Soọng Cô có khoảng gần 1.000 bài, có thể phân theo 3 nhóm chính là hát ru, hát giao duyên và đồng dao cho thiếu nhi, trong đó nổi bật nhất là mảng hát giao duyên đối đáp linh hoạt.
Nội dung Soọng Cô phong phú: Ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tinh thần cần cù lao động; khuyên răn con cháu; phản ánh nếp sống, phong tục… Môi trường diễn xướng cũng tương đối "mở", bên bờ suối, trên nương chè, trong sân nhà dịp lễ tết hay tại các buổi giao lưu liên xóm. Chính sự mềm dẻo của giai điệu, giàu hình ảnh tượng thanh, tượng hình của lời ca tạo nên sức lan tỏa, hấp dẫn người nghe. Năm 2015, nghệ thuật hát Soọng Cô của đồng bào Sán Dìu ở Đồng Hỷ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.