Phụ nữ Thủ đô quyết tâm 'gỡ' khó trong vận hành mô hình mới
Sau khi 126 Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, phường được kiện toàn theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các cấp Hội LHPN TP Hà Nội đã nhanh chóng thích ứng với tổ chức bộ máy mới, triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức hội trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội tại cơ sở.

Ban Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội tại buổi giao ban công tác Hội với Chủ tịch Hội LHPN của 126 xã, phường và 3 đơn vị trực thuộc. Ảnh: Thanh Huyền
Thích ứng linh hoạt, triển khai nhanh chóng
Tại Hội nghị giao ban công tác Hội với Chủ tịch Hội LHPN của 126 xã, phường và 3 đơn vị trực thuộc, do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức, một kỳ giao ban đặc biệt, lần đầu tiên diễn ra sau khi thực hiện mô hình tổ chức mới theo Nghị quyết số 1656 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, trong 6 tháng đầu năm 2025, cùng với hệ thống chính trị toàn TP, các cấp Hội phụ nữ đã tích cực triển khai nhiều hoạt động lớn có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc: tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 60 năm phong trào Ba đảm đang, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước; chăm lo thiết thực cho phụ nữ, trẻ em thông qua các chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, xây dựng mái ấm tình thương, tặng quà cho phụ nữ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
Bước sang giai đoạn vận hành mô hình tổ chức Hội mới trực thuộc MTTQ cấp xã, các cấp Hội đã tổ chức Hội nghị BCH mở rộng, công bố quyết định thành lập, phân công nhiệm vụ, ban hành quy chế làm việc và khẩn trương triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm.
Các đơn vị tập trung rà soát, tiếp nhận bàn giao hồ sơ, sổ sách đơn vị cũ về đơn vị mới; họp giao ban công tác quản lý vốn, tham gia thực hiện hoạt động tại các điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội; tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, văn hóa văn nghệ chào mừng đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động; tham gia hướng dẫn Nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến…
Phát động thi đua cao điểm, triển khai công trình, phần việc chào mừng Đại hội Đảng bộ, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam và Đại hội đại biểu phụ nữ xã hướng tới chào mừng 95 năm thành lập Hội (Ba Đình, Giảng Võ, Khương Đình, Hòa Xá, Quảng Oai, Bất Bạt, Sóc Sơn … ); phong trào “Bình dân học vụ số” (xã Dân Hòa).
Đáng chú ý, nhiều đơn vị đã thể hiện sự chủ động và linh hoạt cao trong tổ chức hoạt động như: xây dựng fanpage, nhóm Zalo để kết nối hội viên; tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh; ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân nữ; mở các lớp dạy nghề, giới thiệu sản phẩm VietGAP; triển khai mô hình “Ngày Chủ nhật xanh”, phong trào thi đua “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, cải tạo nghĩa trang liệt sĩ, khám chữa bệnh cho người có công, tổng vệ sinh các khu tưởng niệm…

Đại diện Chủ tịch Hội LHPN xã, phường chia sẻ về kết quả sau khi vận hành mô hình mới. Ảnh: Thanh Huyền
Tháo gỡ khó khăn về nhân lực
Dù đạt được những kết quả tích cực bước đầu, song việc chuyển đổi tổ chức bộ máy Hội sang mô hình mới cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt về cơ chế vận hành, nhân sự, tài chính và điều kiện hoạt động.
Nhiều đơn vị cấp xã lúng túng trong việc mở tài khoản riêng, chưa rõ cơ chế sử dụng kinh phí Hội độc lập trong khi vẫn trực thuộc MTTQ. Không ít xã/phường chưa được cấp kinh phí hoạt động 6 tháng cuối năm. Một số nơi vẫn chưa thu được hội phí, dẫn đến thiếu nguồn lực triển khai nhiệm vụ.
Về nhân sự, tỷ lệ lớn cán bộ Hội cấp xã (78%) được điều chuyển từ công tác đảng, các, ban, ngành khác, chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động Hội, cần có thời gian tiếp cận, nắm bắt công việc.
Một số địa phương gặp khó trong việc kiện toàn khi các Phó Chủ tịch Hội xin nghỉ chế độ hoặc quá tuổi lao động, nhiều Phó Chủ tịch Hội LHPN xã hiện là cán bộ kiêm nhiệm nên hiệu quả công việc còn hạn chế.
Cơ sở vật chất tại một số xã chưa đảm bảo, có nơi chưa bố trí được phòng làm việc riêng cho Hội. Đặc biệt, địa bàn mở rộng, ranh giới hành chính chưa rõ ràng sau sáp nhập cũng gây trở ngại trong công tác tập hợp, quản lý hội viên.

Các cán bộ Hội LHPN xã, phường kiến nghị nhiều giải pháp trong vận hành mô hình mới tại cơ sở. Ảnh: Thanh Huyền
Kiến nghị nhiều giải pháp đồng bộ
Tại hội nghị, Hội LHPN TP Hà Nội và các đơn vị cơ sở đã kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể, sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về cơ chế quản lý tài chính, tổ chức bộ máy, đảm bảo tính chủ động cho Hội trong mô hình tổ chức mới.
Bổ sung ngân sách hoạt động thường xuyên cho Hội phụ nữ cấp xã, phù hợp với thực tế địa bàn và số lượng hội viên.
Xem xét công nhận công chức đối với cán bộ Hội chuyển tiếp từ xã, phường cũ; có chính sách hỗ trợ cán bộ chi hội trưởng và Phó Chủ tịch Hội LHPN xã không chuyên trách.
Hướng dẫn quy trình Đại hội phụ nữ các cấp trong điều kiện chia tách, sáp nhập. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ, chuyển đổi số, công tác vay vốn, quản lý hội viên… cho cán bộ Hội mới được phân công.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh nhấn mạnh: “Thường trực Hội LHPN TP đánh giá cao một số cơ sở đã rất chủ động bám sát chỉ đạo của Hội LHPN TP, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, triển khai công tác Hội tại địa phương. Qua nắm bắt tình hình, hoạt động Hội cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, các cấp Hội LHPN TP Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực vượt khó, giữ vững niềm tin của hội viên, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới”.