Phù Yên phát triển giao thông nông thôn

Triển khai thực hiện tiêu chí số 2 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Phù Yên có hơn 800km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đạt 70% tổng chiều dài các tuyến đường cần xây dựng.

Nhân dân bản Suối Tiếu, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên, đổ bê tông tuyến đường vào bản.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, thống kê các tuyến đường cần xây dựng hoặc sửa chữa, nâng cấp, kịp thời bổ sung nguồn vốn phù hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Yên, cho biết: Phòng đã tham mưu với huyện phân bổ nguồn vốn phù hợp với từng địa phương, trong đó, ưu tiên các khu vực đông dân cư, các xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện. Đồng thời, rà soát các tuyến đường nội bản, trục bản có mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp để mở rộng, nâng cấp. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục vận động nhân dân hiến đất mở rộng mặt đường.

Căn cứ nhu cầu thực tế và số lượng đăng ký làm đường của các địa phương, UBND huyện tiến hành đầu tư xây dựng theo hướng làm tới đâu, đảm bảo chất lượng đến đó. Các tuyến đường liên bản ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa cứng hóa được ưu tiên triển khai thực hiện. Với cách làm trên, hơn 10 năm qua, huyện Phù Yên có trên 800km đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 3.000 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 100 tỷ đồng và hiến trên 20.000m2 đất để làm các tuyến đường trục bản và nội bản. Riêng năm 2024, toàn huyện có 81 tuyến đường được triển khai xây dựng, với tổng chiều dài 35,4km. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách huyện và nhân dân đóng góp trên 65 tỷ đồng.

Việc bê tông hóa các tuyến đường nội bản, trục bản tại các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình trên địa bàn huyện Phù Yên còn gặp khó khăn do thu nhập của nhân dân còn thấp, nên khả năng đóng góp hạn chế. Cùng với đó, địa hình bị chia cắt cũng là một phần nguyên nhân làm giá cả vật liệu xây dựng tăng cao.

Ông Mùi Văn Tha, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phong, cho biết: Sau khi bàn bạc, thống nhất, Đảng ủy xã đã thống nhất chủ trương đồng ý cho UBND xã bảo lãnh các khoản nợ của các bản trong quá trình làm đường với nhà thầu thi công. Việc thanh toán chi phí nguyên vật liệu được trả hàng năm bằng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của các bản. Với cách làm này, trong 4 năm, xã đã hoàn thành đổ bê tông 20km, đạt trên 90% tổng chiều dài các tuyến đường trong xã.

Tại xã Mường Thải, huyện Phù Yên đã tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là các tuyến đường liên bản. Ông Vì Như Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Tuyến đường vào khu du lịch hồ Suối Chiếu có chiều rộng mặt đường khoảng 3 - 3,5m; nhiều đoạn mặt đường đã xuống cấp, nên việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. UBND xã đang đề nghị huyện bố trí nguồn vốn mở rộng tuyến đường từ quốc lộ 37 vào khu du lịch hồ Suối Chiếu, tạo điều kiện cho nhân dân và du khách đi lại dễ dàng. Còn đối với các bản vùng cao, xã chủ trương kết nối, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con, nhằm tạo nguồn lực tại chỗ trong làm đường giao thông nông thôn.

Hạ tầng giao thông nông thôn đã và đang được huyện Phù Yên tích cực triển khai, xây dựng và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/phu-yen-phat-trien-giao-thong-nong-thon-9tPIthQSg.html