Phương án phát triển trạm sạc xe điện

TP Hà Nội đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh (xe điện) và phát triển hệ thống trạm sạc trên địa bàn.

Hà Nội cần phát triển thêm các hệ thống trạm sạc xe điện. Ảnh: M.Hoa.

Hà Nội cần phát triển thêm các hệ thống trạm sạc xe điện. Ảnh: M.Hoa.

Một trong những giải pháp Hà Nội cần tập trung là khẩn trương quy hoạch và xây dựng hệ thống trạm sạc dành cho xe điện (cả xe máy và ôtô).

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long cho biết, thời gian qua, công tác chuyển đổi xanh đã có những kết quả rất đáng khích lệ. Tính đến tháng 7/2025, thành phố đã đưa vào hoạt động 16 tuyến buýt điện với tổng cộng 248 xe, chiếm 12,86% tổng số phương tiện xe buýt trợ giá, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2025. Song song đó, công tác chuyển đổi xanh cũng được đẩy mạnh với xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

Hiện nay, Hà Nội có 47,4% xe taxi là xe điện và 46,5% là xe hợp đồng dưới 9 chỗ và 23 hãng taxi đã cam kết đến hết năm 2030 chuyển đổi 100% xe sang sử dụng điện. Dịch vụ xe đạp công cộng TNGo cũng là một điểm sáng với 1.100 xe và 118 điểm, trạm, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố xanh.

Tuy nhiên, trên lộ trình chuyển đổi xanh này, thành phố cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể, hạ tầng trạm sạc còn hạn chế, hiện chưa có quy chuẩn chung về trạm sạc, đầu sạc khiến cho việc sử dụng chung trạm sạc giữa các hãng xe còn khó khăn. Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố cũng chưa có quy hoạch chung về mạng lưới điện, hạ tầng trạm sạc, cần khảo sát tính toán chi tiết công suất nguồn và hạ tầng phù hợp. Việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng sạc vẫn đang gặp nhiều vướng mắc do chưa có khung pháp lý về quản lý, vận hành, giá dịch vụ sạc.

Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu cho phương tiện và hạ tầng xanh còn rất cao. Riêng xe buýt điện, để bảo đảm tần suất hoạt động tương đương xe sử dụng dầu diesel, thành phố cần đầu tư thêm khoảng 40-50% số lượng phương tiện. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có cơ chế tài chính đủ hấp dẫn như ưu đãi tín dụng hay miễn giảm thuế để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi.

Hơn nữa, tâm lý e ngại về độ bền, phạm vi hoạt động của xe điện vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân và doanh nghiệp. Sự phối hợp liên ngành trong việc tháo gỡ khó khăn về đất đai, cấp phép xây dựng hay hạ tầng kỹ thuật cho trạm sạc cũng chưa thực sự hiệu quả…

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho rằng, số lượng các trạm sạc đang còn ít, chưa ảnh hưởng đến nguồn điện. Tuy nhiên, giai đoạn 2026-2030 nhu cầu lớn nên phải làm rõ, cần bao nhiêu trạm sạc theo từng năm với từng loại công suất.

Đại diện ngành điện kiến nghị thành phố nên giao cho một sở làm đầu mối chủ trì với sự tham gia của các đơn vị liên quan. Phấn đấu ban hành được quy hoạch trạm sạc ngay trong năm 2025 từ đó ngành điện sẽ tính toán nguồn điện để đáp ứng nhu cầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp nên nghiên cứu phương án cho thuê pin, đa dạng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp.

H.H

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phuong-an-phat-trien-tram-sac-xe-dien-10310723.html