Phường Gia Định với dấu ấn ký ức từ lăng cổ, chợ xưa
Lăng Ông, chợ Bà Chiểu, cầu Bông... là những địa danh quen thuộc làm nên dấu ấn đặc trưng của phường Gia Định.

Phường Gia Định được hình thành trên cơ sở sáp nhập bốn phường: 1, 2, 7 và 17 của quận Bình Thạnh cũ, với diện tích khoảng 2,76 km² và quy mô dân số hơn 120.000 người.

Chiếc cổng cổ khắc chữ "Gia Định" nằm tại góc giao lộ Phan Đăng Lưu - Lê Văn Duyệt, sát Trường THCS Trương Công Định. Đây là một dấu tích kiến trúc hiếm hoi còn sót lại từ trước năm 1975.
Được xây bằng gạch theo kiểu tam quan, cổng từng là lối vào Trường Nữ Trung học Gia Định, một trong những ngôi trường dành cho nữ sinh bản xứ danh tiếng nhất Nam Kỳ đầu thế kỷ 20.

Cách chiếc cổng cổ chỉ chục bước chân là Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt hay còn gọi Lăng Ông Bà Chiểu - một công trình tín ngưỡng, lịch sử và tâm linh ở vùng đất này suốt gần hai thế kỷ.
Nếu cổng tam quan khắc chữ “Gia Định” là vết tích kiến trúc của một ngôi trường danh tiếng xưa, thì Lăng Ông gắn liền với tên tuổi Tả quân Lê Văn Duyệt, vị Tổng trấn Gia Định thành được người dân rất kính trọng.

Hai ngôi mộ song song nằm giữa khuôn viên rợp bóng cổ thụ tại Lăng Ông Bà Chiểu là nơi yên nghỉ của Tả quân Lê Văn Duyệt và bà Phi - người vợ gắn bó trọn đời với ông.

Phía trước khu lăng là cổng tam quan uy nghi, với ba vòm cửa cong vút mái ngói lưu ly xanh, nổi bật giữa nền tường vàng sậm phủ rêu phong. Trên đỉnh cổng là dòng chữ Hán “Thượng Công Miếu”, tên gọi trang trọng dành cho nơi thờ Tả quân Lê Văn Duyệt.

Trái châu gần 100 tuổi trên nóc nhà bia Lăng Ông Bà Chiểu là một hiện vật đặc biệt, gắn liền với hình tượng "lưỡng long tranh châu" đôi rồng chầu mặt ngọc, biểu trưng cho sự linh thiêng, quyền uy và trường tồn. Được làm từ gốm Cây Mai Sài Gòn vào năm 1922, trái châu này không chỉ mang giá trị mỹ thuật mà còn là phần linh khí quan trọng trong không gian thờ tự Tả quân Lê Văn Duyệt.





Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1988.

Tuyến đường mang tên Lê Văn Duyệt (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu), từng mang tên Đinh Tiên Hoàng, đến năm 2020 chính thức được đổi tên thành Lê Văn Duyệt.

Cạnh Lăng ông Bà Chiểu khoảng 30m là chợ Bà Chiểu. Được xây dựng từ năm 1942, chợ đã từng giữ vai trò “đầu tàu” giao thương của vùng Gia Định cũ. Hiện nay, Chợ Bà Chiểu vẫn giữ bộ khung bền vững: 8 khu chính, với gần 800 hộ tiểu thương cùng hơn 40 ngành hàng từ rau, củ, trái cây, đến vải vóc, đồ cũ và thức ăn đường phố.

Cách đó không xa là Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cơ sở y tế lâu đời bậc nhất khu vực Gia Định xưa. Hiện nay, bệnh viện vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố.

Tuyến đường huyết mạch Điện Biên Phủ (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến vòng xoay giao với Đinh Tiên Hoàng) đóng vai trò là trục kết nối quan trọng trong địa bàn phường Gia Định. Đây là một trong những cung đường sôi động và có mật độ giao thông cao bậc nhất TP.HCM, nối liền trung tâm Thành phố với khu vực phía Đông.

Trên đoạn đường Điện Biên Phủ góp mặt nhiều cơ sở giáo dục đại học lớn như Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Kinh tế Tài Chính...

Không gian đô thị phường Gia Định trở nên đa dạng với một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua và hàng loạt cái tên quen thuộc như cầu Bông, cầu Trần Khánh Dư, cầu Bùi Hữu Nghĩa, giúp kết nối dễ dàng sang các phường Tân Định, Phú Nhuận.

Dọc tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa (đoạn thuộc phường Gia Định) với những hàng cây xanh rợp bóng mát, thường được người dân lựa chọn để di chuyển, dạo mát, tập thể dục...

Trụ sở mới của phường Gia Định đặt tại số 134 Lê Văn Duyệt, trụ sở Trung tâm hành chính công tại số 98 Lê Văn Duyệt.

Các tuyến lớn như Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh... tạo nên mạng lưới kết nối nhanh chóng từ phường Gia Định đến các phường lân cận và các khu vực thương mại, hành chính khác của thành phố.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phuong-gia-dinh-voi-dau-an-ky-uc-tu-lang-co-cho-xua-post861038.html