Phương thức xét tuyển sớm bộc lộ nhiều bất cập?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.
Theo đó, dự thảo này có nội dung đáng chú ý đó là, yêu cầu điểm trúng tuyển xét sớm không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, điểm chuẩn ở mọi phương thức, tổ hợp được quy đổi về thang chung và thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm này, không phân biệt phương thức.
Như vậy, điểm chuẩn xét theo phương thức lấy điểm học bạ trung học phổ thông; thi đánh giá năng lực; đánh giá tư duy; xét kết hợp chứng chỉ quốc tế (SAT, IELTS,... ở đợt xét tuyển sớm phải bằng hoặc cao hơn so với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có thể nhận thấy, quy định này là bất hợp lí, vì mỗi kì thi được thực hiện một cách khác nhau, và đương nhiên mức độ khó của đề thi cũng rất khác nhau.
Ví dụ, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm mục đích chính là đánh giá kết quả học tập của học sinh, và sau đó mới làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển. Vì thế, tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm rất cao, tiệm cận con số 100%. Minh chứng, tỉ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc năm 2023 đạt 98,88%.
Trong khi đó, kì thi đánh giá năng lực, tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao rất ít. Chẳng hạn, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh như sau: có tổng số 88.052 bài thi, điểm trung bình thí sinh đạt được là 639,2 điểm/1.200 điểm.
Cùng với đó, cấu trúc đề thi của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kì thi đánh giá năng lực cũng rất khác nhau. Ví dụ, đề thi môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông ra 100% tự luận, còn phần ngôn ngữ (không có môn Ngữ văn) kì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ra 100% trắc nghiệm.
Bên cạnh đó, không ít chuyên gia là giảng viên các trường đại học đã từng nhiều lần khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như hiện nay không đủ tính phân hóa để xét tuyển thí sinh vào các ngành có tính cạnh tranh cao. Trong khi đó, một số phương thức xét tuyển sớm thì lại giải quyết được bất cập này.
Ngoài ra, độ khó của mỗi đề thi là khác nhau, cho nên không thể lượng hóa được một thí sinh đạt 27 điểm theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với thí sinh đạt 27 điểm thi đánh giá năng lực là ai giỏi hơn ai.
Cần biết thêm, Công văn 1957/BGDĐT-GDĐH ngày 26/4/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non quy định 20 phương thức xét tuyển đại học năm từ năm 2024.
Như thế, càng có nhiều phương án xét tuyển sớm thì càng làm giảm giá trị và ý nghĩa của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông: vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông vừa xét tuyển vào đại học.
Liên quan đến kì thi đại học, một số quốc gia đã có những cách làm hay, rất đáng tham khảo. Cụ thể, tại Trung Quốc, tất cả học sinh phải trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, còn gọi là Gaokao (Cao khảo), để giành một suất vào đại học.
Nội dung bài thi ở các tỉnh khác nhau, nhưng cùng gồm ba môn chung là Văn học Trung Quốc, Toán học và Ngoại ngữ (thường là tiếng Anh), mỗi môn 150 điểm. Các trường cao đẳng và đại học sau đó xếp hạng thí sinh từ cao đến thấp, rồi xác định danh sách trúng tuyển.
Hay, Hàn Quốc có một kỳ thi chung để tuyển sinh đại học, gọi là Kỳ thi năng lực học tập đại học (The College Scholastic Ability Test - CSAT) hay được gọi là Suneung.
Học sinh phải hoàn thành sáu phần thi, chủ yếu là trắc nghiệm, bao gồm tiếng Hàn, Toán, tiếng Anh, lịch sử Hàn Quốc, các môn phụ và ngoại ngữ thứ hai (tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Trung, Nhật, Nga, Ả Rập, Việt, tiếng Trung cổ điển).