Quận công chống gian lận thi cử

Ngày nay còn ít người biết đến Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ (1675-1733), nhưng ông từng được sử gia nhiều thế hệ coi là một trong số ít vị quan tài đức, có công lao lớn với dân, với nước. Ông cũng là vị quan đầu tiên dưới thời phong kiến chống tham nhũng trong trường học.

Nguyễn Công Cơ sinh ra trong một gia đình nho học ở làng Xuân Đỉnh (nay thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Ngay từ nhỏ, ông đã thông minh, mẫn tiệp, “thơ phú nổi tiếng khắp vùng”. Năm 13 tuổi, ông dự thi Hương lần đầu đỗ ngay Tam trường. Ông cũng là người trẻ nhất đỗ khoa thi Tiến sĩ năm 1697. Tên tuổi ông được khắc trên bia đá, lưu danh tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Theo sách "Lịch triều hiến chương loại chí", sinh thời, Nguyễn Công Cơ là người ngay thẳng, trung thực, suy nghĩ, nói năng thấu đáo, sáng suốt và rất quả cảm.

 Nhà thờ Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Nhà thờ Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Các thư tịch cũ cho biết, Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ làm được nhiều việc lớn như: Phát hiện ra âm mưu phản loạn, giúp triều đình tránh được nạn “huynh đệ tương tàn”; dùng tiền của cá nhân đào đắp mương lớn thoát nước từ Xuân Tảo (nay thuộc phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đến các vùng lân cận, giúp nhân dân tránh được lụt lội, đói kém; khi làm Chánh sứ đi Trung Quốc, ông linh hoạt ứng xử, buộc triều đình nhà Thanh phải cắt bỏ nhiều quy trình phức tạp trong lệ cống nạp. Ông cũng là người có công lớn khôi phục trường võ bị nước nhà, đề ra những tư tưởng quân sự tiến bộ để bảo vệ đất nước...

 Lễ kỷ niệm 290 năm ngày mất Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ.

Lễ kỷ niệm 290 năm ngày mất Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ.

Nhưng việc làm ấn tượng, có ảnh hưởng lâu dài đến sự hưng vong của đất nước là việc ông khởi xướng cuộc chiến chống tham nhũng và tệ nạn đút lót trong trường quy. Kỳ thi Hương năm 1726, số người đỗ tăng quá nhiều, hầu hết là con em nhiều bậc đại thần mà phần lớn họ không có thực tài, gây tai tiếng. Trước thực trạng đó, đại thần Nguyễn Công Cơ cho mở cuộc điều tra, xem xét việc thi cử. Sau khi nắm chắc sự việc gian dối và các tệ nạn, ông tâu trình lên Chúa Trịnh, kiên quyết đề nghị cho thi lại...

Với ông, việc lựa chọn nhân tài có quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Đúng vào thời điểm Chúa Trịnh Cương rốt ráo cải cách giáo dục, vì vậy, đề nghị của ông lập tức được phê chuẩn. Tháng 11 năm đó, triều đình tổ chức thi lại, Nguyễn Công Cơ được giao trực tiếp làm đề điệu. Sau khóa thi, con của nhiều đại thần trong triều bị đánh trượt, gồm 28 người. Nhà Chúa hết lòng ngợi ca Nguyễn Công Cơ là người trung nghĩa, thẳng thắn, dám nói, dám chịu trách nhiệm nên đã thăng ông vượt cấp lên chức Thiếu bảo. Từ đó về sau, việc chọn đại thần giao chức đề điệu ở các khóa thi được nhà Chúa cân nhắc kỹ, chọn người trung thực, thay đổi cách ra đề, coi thi, giám sát thi, giúp triều đình tổ chức thi cử chọn đúng người hiền tài. Việc chống gian lận trong thi cử và cải cách giáo dục của Nguyễn Công Cơ giữ nguyên giá trị cho đến hôm nay.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/quan-cong-chong-gian-lan-thi-cu-761195