Quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn gắn phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao

Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Thường Xuân là đơn vị được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ và sử dụng 13.214,14ha rừng, trong đó chủ yếu là đất rừng phòng hộ. Diện tích được giao quản lý rộng, tách biệt 2 khu vực phía Tây và phía Nam thuộc 9 xã của huyện Thường Xuân.

Người dân xã Luận Khê (Thường Xuân) chăm sóc cây hoài sơn.

Người dân xã Luận Khê (Thường Xuân) chăm sóc cây hoài sơn.

Để quản lý bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn, BQLRPH Thường Xuân đã thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân và chính quyền địa phương tổ chức tuần tra rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Trong các ngày cao điểm mùa nắng nóng, khô hanh, ban đã chủ động phối hợp với chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan trên địa bàn tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đến người dân; kiểm tra các khu rừng trọng điểm, kiểm soát nguồn lửa đem vào rừng. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, BQLRPH Thường Xuân đã mua sắm bổ sung công cụ, dụng cụ phục vụ công tác PCCCR; phân công trực 24/24 giờ vào thời gian cao điểm mùa cháy; phát dọn thực bì và đốt trước vật liệu cháy dưới tán rừng phục vụ tốt công tác PCCCR. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Chủ động khắc phục khó khăn, do đặc thù khu vực quản lý là rừng phòng hộ xung yếu trên địa bàn đồi núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh, độ cao trung bình trên 500m, giao thông đi lại khó khăn; mức thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, BQLRPH Thường Xuân đã phân công cán bộ về thôn, bản khảo sát các vấn đề liên quan đến quản lý rừng phòng hộ. Các thôn, bản có rừng đã phối hợp tốt với chủ rừng.

Kết quả nổi bật là BQLRPH Thường Xuân đã phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng. Ban đã xây dựng và thực hiện Dự án: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng, chế biến, tiêu thụ một số loài dược liệu cát sâm và hoài sơn tại khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa”, thời gian thực hiện từ tháng 9 năm 2020 đến năm 2025. Mục tiêu của dự án là mở rộng vùng trồng dược liệu ra các khu vực trên địa bàn huyện Thường Xuân và các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thay đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Kết quả, đến tháng 11/2024, các hộ tham gia dự án đã trồng được 13ha cây hoài sơn, 35ha cây cát sâm. Năm 2023, hoài sơn đã thu hoạch và lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 60 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm cây cát sâm sau 6 năm trồng giá trị ước tính gấp 10 lần so với cây trồng khác trên một chu kỳ và đơn vị diện tích trồng. Các hộ gia đình đã tự bỏ vốn tiếp tục trồng mở rộng cây dược liệu. Đơn vị đã liên kết với Nhân dân các xã trong vùng như: Xuân Chinh, Vạn Xuân, Xuân Lộc, Luận Thành, Luận Khê có đất trồng hoài sơn, cát sâm ký hợp đồng mua cây giống, chuyển giao khoa học, công nghệ và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho người dân. Dự kiến năm 2025 tiếp tục liên kết mở rộng diện tích trồng mới cây dược liệu hoài sơn, bách bộ và cây cát sâm thêm 20ha trở lên. Nâng cao hiệu quả kinh tế trồng cây dược liệu, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần bảo vệ bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn. Trong năm 2025, BQLRPH Thường Xuân phối hợp với cơ quan chức năng sẽ xây dựng 1 sản phẩm OCOP trà thảo dược cát sâm.

Nhờ tích cực trồng và BVR người dân trong vùng BQLRPH Thường Xuân quản lý có thêm việc làm tại chỗ, thu nhập từ tiền nhân công và sản phẩm của rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, thúc đẩy chương trình XDNTM. Rừng trồng mới được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sinh trưởng, phát triển tốt. Diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có được bảo vệ an toàn, không để xảy ra cháy rừng. An ninh rừng trên địa bàn được giữ vững. Độ che phủ của rừng do BQLRPH Thường Xuân quản lý đạt trên 90%. Diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt đã và đang được phục hồi, phát triển ổn định. Rừng nhiều tầng, nhiều tán, không những đã phát huy tính năng phòng hộ, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mà còn tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy lợi; là nơi cho các loài động vật cư trú và bảo tồn nguồn gen các loài thực vật rừng.

Bài và ảnh: Thu Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-ly-bao-ve-rung-phong-ho-dau-nguon-gan-phat-trien-cay-duoc-lieu-co-gia-tri-kinh-te-cao-231170.htm