Quản lý, giám sát chặt chẽ người, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Các mối nguy sinh học, hóa học trong thực phẩm được đánh giá là có gây ra ngộ độc cấp tính như vi sinh vật gây bệnh, độc tố tự nhiên, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc thú y, phụ gia thực phẩm dùng quá liều hoặc tích lũy trong cơ thể gây ra ngộ độc mãn tính...

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), các mối nguy có thể xuất phát từ quá trình sản xuất, nuôi trồng, quá trình bảo quản (như độc tố vi nấm, vi sinh vật), đến quá trình lưu thông, phân phối và cả trong quá trình chế biến sử dụng.

Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Đồng thời, chủ động phối hợp trong xây dựng quy định, chính sách pháp luật và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm đóng gói.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm đóng gói.

Cùng đó, trong những năm gần đây, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư, nhờ đó đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của ngành kiểm nghiệm thực phẩm. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế các sự cố an toàn thực phẩm gần đây cho thấy vẫn còn những mối nguy hiện diện trong các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ hằng ngày.

"Do đó, ngoài việc đầu tư phát triển về các kỹ thuật kiểm nghiệm hiện đại, chuyên sâu, các phòng kiểm nghiệm cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động đánh giá nguy cơ nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học hỗ trợ công tác quản lý an toàn thực phẩm" - PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo nhấn mạnh.

Theo dự báo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thời gian tới và trên không gian mạng xuất hiện đa dạng, với những phương thức, thủ đoạn đan xen giữa truyền thống với cộng nghệ, lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trên không gian mạng.

Theo đó, chỉ đạo Công an cấp tỉnh, huyện, xã, rà soát, đánh giá thực trạng tội phạm vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn để tham mưu, kiến nghị với Sở Y tế, Sở Công thương, UBND cấp xã thực hiện các giải pháp nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện sản xuất, kinh doanh; phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm…Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý đối với các cơ sở có hành vi vi phạm.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quan-ly-giam-sat-chat-che-nguoi-co-so-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-169241214205631445.htm