Quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi

Những năm qua, tỉnh ta đã khai thác các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi; tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi, đảm bảo nước phục vụ sản xuất, góp phần hoàn thành tiêu chí về thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới.

Những ngày này, người dân các xã: Chiềng Dong, Chiềng Mai, Hát Lót, Mường Bon và Chiềng Mung (Mai Sơn) rất vui mừng, bởi dự án hệ thống thủy lợi Nà Sản vừa hoàn thành giai đoạn 1, đảm bảo nguồn nước sản xuất vụ đông. Anh Đào Mạnh Cường, Trưởng ban Quản lý dự án thủy lợi 1.1 (Bộ Nông nghiệp và PTNT) - đơn vị chủ đầu tư cho biết: Theo thiết kế, công trình hệ thống thủy lợi Nà Sản cấp nước tưới tự chảy cho 1.450 ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho trên 10.000 người thuộc các xã trên cao nguyên Nà Sản. Phục vụ nuôi trồng thủy sản và duy trì dòng chảy môi trường hạ du, góp phần cải tạo môi trường sinh thái và phát triển du lịch trên địa bàn. Đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành xây dựng đập đầu mối, đường hầm dẫn nước, hệ thống quản lý vận hành. Chúng tôi đã bàn giao cho tỉnh quản lý để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án.

Công trình hồ chứa nước bản Mòng, xã Hua La (Thành phố) đã hoàn thành giai đoạn 1.

Công trình hồ chứa nước bản Mòng, xã Hua La (Thành phố) đã hoàn thành giai đoạn 1.

Là địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, ông Cầm Ngọc Quý, Chủ tịch UBND xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Trên địa bàn xã hiện có gần 1.900 ha cây ăn quả các loại. Để có nước phục vụ sản xuất, nhiều hộ dân phải đào giếng hoặc bơm dẫn nước từ các khu vực lân cận rất tốn kém. Hy vọng trong năm 2022, khi hệ thống kênh mương dẫn nước từ hệ thống thủy lợi Nà Sản hoàn thành sẽ cung cấp đủ nước, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân ở 10 bản của xã.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.692 công trình thủy lợi đang khai thác phục vụ sản xuất, với tổng chiều dài kênh trên 3.000 km, đảm bảo nước tưới tiêu cho trên 30.000 ha cây trồng và nuôi thủy sản, tiêu thoát lũ khu vực nông thôn, đô thị với diện tích 64.600 ha. Ông Cao Viết Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: Để nâng cao trách nhiệm quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra đánh giá về công tác quản lý khai thác, kế hoạch cấp nước phục vụ sản xuất; công tác đảm bảo công trình thủy lợi, hồ chứa nước. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp về thủy lợi, góp phần phát huy và nâng cao năng lực cấp nước, cơ bản đảm bảo nước tưới cho phần lớn diện tích sản xuất vụ đông xuân và nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô.

Từ nguồn vốn ngân sách, đến nay đã đầu tư nâng cấp sửa chữa 20 đập, hồ chứa nước cấp bách, xung yếu; như hồ Lái Bay, Noong Chạy, Nong La (Thuận Châu); hồ Xa Căn, Huổi Nhả - Khơ Mú, Nà Bó, bản Củ 1, bản Củ 2, bản Ỏ (Mai Sơn); hồ bản Lụa, Noong Đúc (Thành phố)... Đến thời điểm này, các hồ được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đã bàn giao, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu dùng nước khác. Riêng đối với công trình hồ chứa nước bản Mòng và hệ thống thủy lợi Nà Sản, do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư vừa hoàn thành giai đoạn 1, tỉnh đã tiếp nhận và giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý, tổ chức tập huấn, chuyển giao, đào tạo vận hành công trình cho cán bộ của các đơn vị. Đồng thời, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Hiện, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang được giao cho Công ty TNHH một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La quản lý, đơn vị có 12 chi nhánh trực thuộc tại các huyện, thành phố trực tiếp quản lý. Ở cấp xã, duy trì trên 1.400 tổ, đội thủy nông cơ sở với trên 3.400 thành viên, hoạt động dưới sự quản lý của xã, bản.

Vận hành hệ thống công trình thủy lợi hồ chứa nước bản Mòng.

Vận hành hệ thống công trình thủy lợi hồ chứa nước bản Mòng.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La, cho biết: Năm 2021, doanh thu dịch vụ thủy lợi từ việc thu cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sản xuất điện, thu xả thải vào công trình thủy lợi và thu thầu mặt thoáng hồ chứa đạt gần 3 tỷ đồng, Công ty đã trích trên 1,3 tỷ đồng đầu tư sửa chữa 4 công trình, gồm: Công trình thủy lợi Suối Sập (Phù Yên); Na Phúc, (Yên Châu); bản Hìn (Thành phố) và Nà Sản (Mường La). Đối với những công trình bị hư hỏng nhẹ, chỉ đạo các chi nhánh phát huy vai trò các tổ thủy lợi cơ sở cùng với nhân dân các xã, bản gia cố, sửa chữa, đảm bảo lượng nước dẫn đến mặt ruộng, cuối bãi tưới.

Năng lực tưới tiêu của các công trình thủy lợi sẽ cao hơn khi thực hiện hiệu quả công tác quản lý vận hành. Vì vậy, cùng với làm tốt công tác quản lý Nhà nước, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và huy động người dân tham gia quản lý, bảo vệ công trình.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quan-ly-khai-thac-hieu-qua-cac-cong-trinh-thuy-loi-45910