Quản lý Quỹ Leadvisors tiếp tục 'gom' cổ phiếu Hải An và nâng sở hữu lên 9,23% vốn

Công ty quỹ có tổng tài sản 36,9 tỷ đồng liên tục mua vào cổ phiếu Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH - sàn HoSE) và nâng sở hữu lên 9,23% vốn.

Ngày 26/11, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Leadvisors đã tiếp tục mua thêm 547.500 cổ phiếu HAH để nâng sở hữu từ 10,66 triệu cổ phiếu (8,78% vốn điều lệ), lên 11,21 triệu cổ phiếu (9,23% vốn điều lệ) tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An.

Trước đó, Quản lý Quỹ Leadvisors liên tục gom vào cổ phiếu HAH. Trong đó, ngày 6/11 đã mua 260.100 cổ phiếu HAH để nâng sở hữu từ 4,94%, lên 5,16% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An; và ngày 13/11, Quản lý Quỹ Leadvisors đã mua thêm 3.413.800 cổ phiếu HAH để nâng sở hữu lên 8,24% vốn điều lệ.

Như vậy, từ ngày 6/11 đến 26/11 (20 ngày), Quản lý Quỹ Leadvisors đã liên tục mua vào và nâng sở hữu tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An từ 4,94%, lên 9,23% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Leadvisors được thành lập ngày 28/12/2006; địa chỉ tại tầng 25, tòa nhà Ladevisors Tower, số 643 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; đại diện pháp luật là ông Trịnh Quốc Bình; và hoạt động chính là quản lý quỹ.

Thêm nữa, tại thời điểm 30/9/2024, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Leadvisors đang có tổng tài sản là 36,9 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu nắm giữ 680.300 cổ phiếu OCH, tương ứng gần 8,9 tỷ đồng; nắm giữ hơn 2,3 triệu cổ phiếu PVR, tương ứng hơn 8,1 tỷ đồng; nắm giữ 254.348 cổ phiếu ANT, tương ứng đầu tư hơn 2,26 tỷ đồng; nắm giữ 76.408 cổ phiếu EVE, tương ứng hơn 1,2 tỷ đồng; đầu tư 42.000 cổ phiếu PVI, tương ứng hơn 1,9 tỷ đồng; đầu tư 6.980 cổ phiếu FBT, tương ứng đầu tư hơn 0,3 tỷ đồng …

Lợi nhuận đi lùi trong 9 tháng năm 2024

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2024, Vận tải và Xếp dỡ Hải An ghi nhận doanh thu đạt 1.128,55 tỷ đồng, tăng 65,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 199,25 tỷ đồng, tăng 88,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 23,2%, lên tới 34,8%.

Lý giải lợi nhuận tăng mạnh trong quý III, Công ty cho biết do Công ty tăng tàu đưa vào khai thác thêm 3 tàu (HA Alfa, HA Beta và HA Opus), cùng với sản lượng vận tải và giá cước vận tải trong quý Iii tăng dẫn đến doanh thu và lợi nhuận khai thác tàu tăng mạnh. Thêm nữa, hoạt động khai thác tàu Zim Hải An bắt đầu có lãi từ quý II/2024 và tăng mạnh trong quý III/2024.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Vận tải và Xếp dỡ Hải An ghi nhận doanh thu đạt 2.781,44 tỷ đồng, tăng 42,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 370,3 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, Vận tải và Xếp dỡ Hải An đặt kế hoạch kinh doanh với tổng sản lượng hơn 1,26 triệu TEU, tăng 17,4% so với cùng kỳ; tổng doanh thu dự kiến 3.326,2 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 290,29 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vận tải và Xếp dỡ Hải An vừa chính thức nâng kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng sản lượng là 1,27 triệu TEU, tổng doanh thu lên 3.957 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 450 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc 9 đầu năm 2024, với lãi sau thuế của công ty mẹ là 370,3 tỷ đồng, Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã hoàn thành 127,6% so với kế hoạch lãi đầu năm là 290,29 tỷ đồng và hoàn thành 82,3% so với kế hoạch vừa điều chỉnh lên lãi 450 tỷ đồng.

Chứng khoán SSI đánh giá tích cực triển vọng ngành vận tải

Tính tới cuối tháng 7/2024, Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã nâng đội tàu lên 15 chiếc, tổng sức chở hơn 23.000 TEU, chiếm gần 30% thị phần vận tải nội địa. Trong đó, Công ty tự khai thác 8 tàu, cho thuê 7 tàu, hoạt động chủ yếu trên các tuyến nội địa, nội Á và Trung Đông.

Ngoài ra, trong Báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI đã đề cập tới việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Trong đó, các đề xuất thuế của ông Trump có thể ảnh hưởng gián tiếp đến ngành logistics, khiến cho nhu cầu nhập khẩu của Mỹ gia tăng do các công ty đẩy mạnh nhập khẩu các loại hàng hóa trước khi các luật thuế mới có hiệu lực.

Cụ thể, các công ty có thể tăng cường nhập khẩu hàng hóa dễ bảo quản trước khi chính sách thuế mới được áp dụng, thể hiện bởi giá trị nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2019.

“Chúng tôi cũng nhận thấy rằng cước phí vận tải container đã tăng mạnh hơn 70% trong 11 tháng năm 2024. Nếu như lịch sử được lặp lại, chúng tôi cho rằng năm 2025 sẽ ghi nhận mức tăng đột biến tạm thời trong nhu cầu vận tải và giá cước ngay trước khi áp thuế. Trong giai đoạn 2024-2025, tình hình Biển Đỏ đã làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu (làm giảm 9% công suất vận tải container toàn cầu), do đó chúng tôi cho rằng nếu chuỗi cung ứng chịu thêm áp lực sẽ đẩy giá cước vận tải tăng mạnh hơn. Về phía cung, chúng tôi nhận thấy việc giao tàu mới có thể tăng 5% công suất hoạt động, nhưng vẫn sẽ không đủ cho nhu cầu tăng mạnh trong thời gian ngắn.

Nói cách khác, chúng tôi cho rằng chu kỳ tăng trưởng của ngành vận tải có thể sẽ chưa đạt đỉnh vào năm 2025 như dự báo trước đó, mà đến 2026, từ đó kéo dài triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty vận tải container”, Báo cáo phân tích của chứng khoán SSI về triển vọng năm 2025 ngành vận tải.

Về diễn biến giá cổ phiếu, trái với xu hướng đi ngang và giảm điểm của thị trường chung, từ ngày 5/8 đến ngày 28/11, cổ phiếu HAH đã bật tăng 26,1%, từ 37.800 đồng, lên 47.650 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quan-ly-quy-leadvisors-tiep-tuc-gom-co-phieu-hai-an-va-nang-so-huu-len-923-von-d231254.html