Quản lý thu chi tiền công đức dần được công khai, minh bạch

Quản lý thu, chi tiền công đức công khai, minh bạch sẽ làm cho niềm tin được bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa của đất nước.

Tiền công đức là nguồn tài chính rất quan trọng đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Tiền công đức là nguồn tài chính rất quan trọng đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Dần chuyển biến theo hướng tích cực

Trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn, tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Chính vì vậy, thời gian qua, việc thu chi công đức thời gian qua chuyển biến theo hướng tích cực. Tiêu biểu như di tích Đền Củi (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), trước đây, từ năm 2015-2023, địa phương thực hiện giao khoán thu tiền công đức cho hộ gia đình theo mức 2,5 tỷ đồng/năm. Sau khi phát hiện bất cập, UBND tỉnh Hà Tĩnh thay đổi cách quản lý, giao về Ban quản lý di tích. Được biết, từ năm 2024 địa phương thực hiện quản lý theo Thông tư số 04/2023/TT- BTC (Thông tư 04) hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, chỉ trong 3 tháng đầu năm số tiền công đức thu được tại đây cao gấp khoảng 1,5 lần số tiền khoán cả năm của nhiều năm trước.

Tương tự, Miếu Bà Chúa Sứ (Châu Đốc, tỉnh An Giang) - một trong những di tích lịch sử văn hóa có số thu tiền công đức đứng đầu cả nước trong năm 2023 có số thu tiền công đức 220 tỷ đồng. Đặc biệt, sau khi giữ lại tu bổ di tích, toàn bộ số tiền công đức còn lại là 93 tỷ đồng (42%) được dùng để chi hoạt động từ thiện, làm đường vùng khó khăn, an sinh xã hội.

Không chỉ riêng 2 cơ sở này minh bạch thu chi, mới đây Bộ Tài chính cũng đã công bố báo cáo việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023. Theo đó, trong tổng số 31.581 di tích thành phần, có 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Còn tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng, một số địa phương có số chi cao hơn số thu do sử dụng số dư năm 2022 chuyển sang.

Đặc biệt, cả nước hiện có 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng (Hà Nội, Hải Dương, An Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh); 9 tỉnh, thành phố có số thu trên 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng (Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hóa).

Theo nhận xét, đánh giá từ Bộ Tài chính, từ khi có Thông tư 04, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch. Tại các di tích tuy có sự khác nhau về loại hình, về quy mô, cũng như chủ thể quản lý nhưng có điểm chung là người đại diện, hoặc ban quản lý di tích đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận, kiểm đếm và quản lý thu chi. Việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản quét mã QR đang phát triển nhanh, được nhiều người lựa chọn như một thói quen khi đến di tích.

Tuy nhiên, một số hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa tại các địa phương. Bộ Tài chính cho biết, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.

Tại các di tích là cơ sở tôn giáo, về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31%, tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo. Trong số này có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê để phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích không báo cáo. Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp; Một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm; nhiều di tích tiếp nhận tiền trong hòm công đức chưa kịp thời bị kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền. Cá biệt, có trường hợp nhân viên ban quản lý di tích lấy trộm tiền công đức bị nhiều người phát hiện, số tiền không nhiều nhưng hành vi trộm cắp tiền công đức đã để lại ấn tượng không tốt với du khách thập phương.

Bên cạnh đó, tại một số nơi vẫn còn xảy ra “va chạm” trong việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ tại một số di tích đan xen các chủ thể khác nhau quản lý, nhất là những di tích vừa có cơ sở tín ngưỡng, vừa có cơ sở tôn giáo (cụm di tích gồm đình, đền, miếu, chùa) và một số cụm di tích là cơ sở tín ngưỡng giao khoán cho các hộ gia đình quản lý, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

Minh bạch thu chi bằng những hành động cụ thể

Với kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn đan xen trong việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc lần đầu tiên đã giúp cho các địa phương có cơ sở thực tiễn để đánh giá toàn diện về hoạt động này.

“Qua đợt kiểm tra này, ngoài việc giúp cho các tổ chức, cá nhân tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, còn cung cấp tương đối đầy đủ thông tin về số lượng di tích lịch sử - văn hóa, về quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích. Qua đó, mỗi cơ quan, tổ chức nhìn nhận, đánh giá khách quan để có giải pháp thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ về xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc", báo cáo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

TS Phan Phương Nam (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) đánh giá, báo cáo tiền công đức của địa phương dần cho thấy sự minh bạch trong thống kê nguồn thu, chi của đơn vị quản lý di tích... Tuy nhiên, để giải pháp này giải quyết triệt để vấn đề, cơ quan chức năng sau báo cáo tổng hợp từ địa phương cần tập hợp thông tin về tình hình khó khăn, đưa ra giải pháp tháo gỡ cho địa phương. Bên cạnh đó, đề xuất của một số địa phương bổ sung khoản chi hoạt động lễ hội, chi phát triển du lịch tâm linh hợp lý, cần có hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình và thể hiện bằng những hành động cụ thể. Ví dụ như trao tiền công đức, tài trợ bằng cách trao trực tiếp cho người đại diện di tích tại bàn ghi công đức, đặt vào hòm công đức hoặc chuyển vào tài khoản của cơ sở di tích; người đại diện hoặc ban quản lý di tích: Mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch vì điều này sẽ làm cho niềm tin đó được bền vững, nguồn tài chính đóng góp cho di tích sẽ tốt hơn; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tiền công đức, tài trợ, xem đây là nhiệm vụ, là văn hóa ứng xử của người đại diện hoặc ban quản lý di tích trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa của đất nước, một chuyên gia đề xuất.

H.Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quan-ly-thu-chi-tien-cong-duc-dan-duoc-cong-khai-minh-bach-153011.html