Quân sự thế giới hôm nay (20-7): Italy tiếp nhận xe tăng chiến đấu chủ lực Ariete C2

Quân sự thế giới hôm nay (20-7) có những nội dung sau: Italy tiếp nhận xe tăng chiến đấu chủ lực Ariete C2; Mỹ hoàn tất thử nghiệm trực thăng MH-139A Grey Wolf; Pháp có đạn tuần kích mới?

* Italy tiếp nhận xe tăng chiến đấu chủ lực Ariete C2

Quân đội Italy mới đây đã chính thức tiếp nhận chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Ariete C2 đầu tiên, đánh dấu bước đi đầu tiên trong nỗ lực tăng cường năng lực tác chiến thiết giáp của Lục quân nước này.

Hiện tại, Italy đang sở hữu khoảng 150 xe tăng chiến đấu chủ lực, chủ yếu là phiên bản C1 Ariete. Trong số này, 90 chiếc đang được nâng cấp lên chuẩn C2 theo hợp đồng hiện tại, và 35 chiếc khác đã được chọn cho giai đoạn tiếp theo. Khi dự án nâng cấp được hoàn thành, Lục quân Italy sẽ có 125 chiếc Ariete C2, giúp duy trì năng lực thiết giáp đáng tin cậy cho đến ít nhất là năm 2040.

Phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực Ariete C2 sử dụng động cơ 1.500 mã lực, kết hợp hộp số hiện đại giúp cải thiện khả năng cơ động trên mọi địa hình. Ảnh: Ciro Nappi

Phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực Ariete C2 sử dụng động cơ 1.500 mã lực, kết hợp hộp số hiện đại giúp cải thiện khả năng cơ động trên mọi địa hình. Ảnh: Ciro Nappi

Ariete là mẫu xe tăng chủ lực bản địa đầu tiên của Italy, được phát triển từ thập niên 1980 và đưa vào sử dụng cuối thập niên 1990. Xe được trang bị pháo nòng trơn 120mm, hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số và giáp mô-đun. Với trọng lượng 54 tấn, động cơ 1.270 mã lực, Ariete được thiết kế phù hợp với các yêu cầu tác chiến của NATO.

Tuy nhiên, theo thời gian, các hạn chế về giáp, động cơ và hệ thống điện tử của Ariete dần lộ rõ khi so sánh với các mẫu xe tăng hiện đại như Leopard 2A7 hay Leclerc XLR. Do đó, chương trình Ariete C2 ra đời nhằm kéo dài vòng đời và đáp ứng yêu cầu chiến trường hiện đại.

Ariete C2 được nâng cấp toàn diện. Xe sử dụng động cơ 1.500 mã lực mới do Iveco phát triển, kết hợp với hộp số hiện đại, tăng mô-men xoắn, giúp cải thiện khả năng cơ động trên mọi địa hình. Hệ thống giáp cũng được tăng cường với các lớp giáp thụ động, giáp phản ứng nổ và khả năng tích hợp giáp chủ động trong tương lai.

Hệ thống điều khiển hỏa lực cũng được hiện đại hóa, tích hợp bộ điều khiển kỹ thuật số hoàn toàn, ống ngắm ảnh nhiệt ngày/đêm độc lập cho cả pháo thủ và chỉ huy. Hệ thống này kết nối liền mạch với hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và tình báo, giúp nâng cao nhận thức tình huống và khả năng tác chiến trong môi trường kết nối mạng. Các thiết bị quang điện tử thế hệ mới giúp tăng khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết.

* Không quân Mỹ hoàn tất thử nghiệm trực thăng MH-139A Grey Wolf

Theo thông báo từ Boeing, Không quân Mỹ đã hoàn thành chuyến bay cuối cùng trong giai đoạn thử nghiệm và đánh giá vận hành ban đầu đối với trực thăng MH-139A Grey Wolf. Giai đoạn thử nghiệm kéo dài 6 tháng này nhằm kiểm chứng hiệu quả tác chiến, khả năng bảo trì và thực hiện nhiệm vụ của máy bay, làm cơ sở cho quyết định sản xuất hàng loạt nhằm hiện đại hóa năng lực vận tải của Không quân Mỹ.

MH-139A đã trải qua một loạt bài đánh giá thông qua các tình huống mô phỏng thực tế như hộ tống, tuần tra sân bay, vận chuyển lực lượng an ninh và hỗ trợ hậu cần. Kết quả kiểm tra cho thấy nền tảng này đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Không quân Mỹ về khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như vận hành trong môi trường khắc nghiệt.

MH-139A Grey Wolf là phiên bản quân sự của trực thăng thương mại Leonardo AW139, do Boeing sản xuất để thay thế mẫu UH-1N Huey. Ảnh: Boeing Defense

MH-139A Grey Wolf là phiên bản quân sự của trực thăng thương mại Leonardo AW139, do Boeing sản xuất để thay thế mẫu UH-1N Huey. Ảnh: Boeing Defense

MH-139A Grey Wolf là phiên bản quân sự của trực thăng thương mại Leonardo AW139, do Boeing sản xuất để thay thế mẫu UH-1N Huey. So với mẫu tiền nhiệm, Grey Wolf có tốc độ hành trình nhanh hơn 50%, tầm bay xa hơn 50%, khoang rộng hơn 30% và tải trọng lớn hơn 2.268kg. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, chế độ lái tự động, giáp chống đạn, hệ thống nhiên liệu chống va đập, cảm biến cảnh báo tên lửa, hệ thống chế áp điện tử và giá treo 2 súng máy M240 bên ngoài.

Không quân Mỹ bắt đầu chương trình MH-139A với hợp đồng trị giá 285 triệu USD vào năm 2018 cho 13 máy bay đầu tiên. Năm 2023, thêm 13 chiếc được đặt hàng và năm 2024, Boeing nhận tiếp hợp đồng 178 triệu USD cho 7 máy bay nữa. Tổng cộng, 33 chiếc đã được đặt hàng trong khuôn khổ chương trình ban đầu, với kế hoạch mở rộng lên đến 84 chiếc, tổng trị giá khoảng 2,38 tỷ USD.

Sau khi kết thúc giai đoạn đánh giá, Không quân Mỹ sẽ xem xét dữ liệu để đưa ra quyết định sản xuất hàng loạt, tiến tới triển khai rộng rãi MH-139A trong các đơn vị tác chiến.

* Pháp có đạn tuần kích mới?

Theo Army Recognition, Pháp vừa hoàn tất đợt thử nghiệm đầu tiên với đạn tuần kích mang tên Mutant, do tập đoàn MBDA và công ty Delair phát triển.

Là thế hệ đạn tuần kích mới, Mutant có khả năng phát hiện, tấn công và vô hiệu hóa mục tiêu tầm xa, có thể hoạt động độc lập hoặc phối hợp theo đội hình bầy đàn cùng máy bay không người lái (UAV), dễ dàng tích hợp vào các hệ thống tác chiến tương lai của Quân đội Pháp. Thành công ban đầu này sẽ mở đường cho các đợt thử nghiệm tiếp theo trong năm 2025 và 2026.

Kể từ khi được giới thiệu vào năm 2023, Mutant đã được phát triển thành 2 phiên bản là Akeron RCH-140 và Akeron RCH-170. Ảnh: DGA

Kể từ khi được giới thiệu vào năm 2023, Mutant đã được phát triển thành 2 phiên bản là Akeron RCH-140 và Akeron RCH-170. Ảnh: DGA

MBDA và Delair đã đạt cột mốc quan trọng với đợt thử nghiệm thành công, trong đó nguyên mẫu Mutany đã tiêu diệt được các mục tiêu cách xa hơn 50km trong môi trường tác chiến mô phỏng có sử dụng hệ thống giám sát radar và quang học.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2023, Mutant được phát triển thành 2 phiên bản gồm Akeron RCH-140 và Akeron RCH-170, trong đó phiên bản RCH-170 có tầm bắn tới 70km.

Loại đạn này có cấu trúc mô-đun gồm 2 phần bao gồm cánh mở do Delair chế tạo và đầu đạn do MBDA phát triển dựa trên dòng tên lửa Akeron. Đặc biệt, hệ thống cho phép thu hồi đạn nếu lệnh tấn công bị hủy, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao tính linh hoạt trên chiến trường.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-20-7-italy-tiep-nhan-xe-tang-chien-dau-chu-luc-ariete-c2-837695