Quan tâm chăm lo, hỗ trợ người khuyết tật
Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ và chăm lo cho người khuyết tật (NKT) được triển khai từ cung cấp phương tiện đi lại, học nghề đến hỗ trợ việc làm và tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội. Những nỗ lực này không chỉ giúp NKT vượt qua khó khăn trong cuộc sống mà còn khơi dậy niềm tin, ý chí vươn lên, khẳng định giá trị bản thân.
Hỗ trợ phụ nữ khuyết tật vươn lên
Thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, tổng số NKT là nữ trên toàn tỉnh hiện có 14.048 người, trong đó số phụ nữ khuyết tật được hưởng trợ cấp theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính phủ là 2.205 người. Thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ, nhóm PN, Hội lồng ghép tuyên truyền các chính sách hỗ trợ NKT, đặc biệt là các loại hình, mô hình hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều PN khuyết tật tham gia như Chăm lo PN khuyết tật khó khăn trên địa bàn; Đồng hành chia sẻ cùng PN, trẻ em khuyết tật; Hỗ trợ PN nghèo, khó khăn, PN khuyết tật;...
Nhiều PN khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn được các cấp Hội quan tâm phối hợp hỗ trợ Mái ấm tình thương, vốn vay để khởi nghiệp, tạo việc làm giúp thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình và ổn định cuộc sống. Hàng năm, Hội LHPN các cấp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho PN khuyết tật như phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức họp mặt biểu dương PN khuyết tật vượt khó thành công. Hội LHPN TP.Tân An phối hợp Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh tổ chức chương trình vui xuân cùng trẻ em khuyết tật cho trẻ em tại trường và trao tặng quà cho hơn 1.300 em học sinh với số tiền hơn 330 triệu đồng;...
Thông qua dự án “Chương trình hỗ trợ xe lăn cho NKT năm 2019” trên địa bàn tỉnh do Tổ chức Latter-day Saint Charities (LDSC) tài trợ, Hội LHPN tỉnh phối hợp Tổ chức LDSC trao tặng 50 chiếc xe lăn, xe lắc và các dụng cụ đi kèm cho NKT; đồng thời, hướng dẫn cách sử dụng xe lăn và các dụng cụ liên quan cho NKT tại TP.Tân An và các huyện: Bến Lức, Châu Thành, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa. Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN trong tỉnh triển khai một số hoạt động hỗ trợ PN khuyết tật vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, PN khuyết tật tham gia các chương trình hỗ trợ PN phát triển kinh tế, giảm nghèo; khai thác nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp đầu tư vào các hoạt động kinh tế.
Tại huyện Cần Đước, mô hình PN khuyết tật nghị lực trên địa bàn xã Tân Chánh được thành lập từ năm 2022, có 36 PN tham gia (2 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo). Hội LHPN xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về NKT, làm chuyển biến cơ bản nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân NKT về khuyết tật và NKT. Hội rà soát kịp thời, đầy đủ nhu cầu của PN khuyết tật để tham mưu xây dựng các nguồn lực hỗ trợ, cải thiện đời sống PN khuyết tật, ưu tiên các hộ có người khuyết tật già yếu, neo đơn và đặc biệt nặng.
Được biết, từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN xã Tân Chánh vận động thăm và tặng quà với tổng trị giá 47,3 triệu đồng; tham gia xét hồ sơ và hướng dẫn các thủ tục để được hưởng bảo trợ xã hội cho 5 PN khuyết tật; hỗ trợ 1 hộ nghèo thoát nghèo. Hội tổ chức tuyên dương 4 PN khuyết tật nghị lực cấp xã; đồng thời, tạo điều kiện giúp 2 trường hợp PN khuyết tật vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Những người khuyết tật vượt khó thành công
Sinh ra khỏe mạnh nhưng ở tuổi lên 5, chị Nguyễn Thị Kim Liên (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) không may mắc bệnh sốt bại liệt khiến đôi chân không thể phát triển bình thường. Hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc chị phải nghỉ học sau khi hoàn thành lớp 5 để theo nghề may. Năm 19 tuổi, chị rời quê lên TP.HCM làm công nhân. Sau 6 năm làm việc, chị quyết định trở về quê trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Được người thân giúp đỡ, cho mượn vốn, chị Liên bàn với gia đình mở cơ sở may gia công để tự chủ kinh tế. Chia sẻ về hành trình vượt khó, chị Liên tâm sự: “Lúc nhỏ, tôi tự ti và mặc cảm nhiều lắm nhưng dần dần, tôi học cách chấp nhận và đối mặt. May mắn lớn nhất của tôi là có người chồng thấu hiểu, yêu thương và luôn đồng hành. Giờ đây, chúng tôi đã có hai người con, một trai, một gái. Gia đình chính là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày”.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Chánh - Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết: "Chị Liên là tấm gương sáng của PN khuyết tật. Với ý chí và nghị lực phi thường, chị không chỉ vươn lên bằng nghề may mà còn đầu tư thêm máy móc, mở rộng cơ sở sản xuất. Hiện tại, cơ sở của chị tạo việc làm cho 10 PN ở địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng mỗi tháng". Năm 2022, chị Liên được Hội LHPN xã Tân Chánh trao tặng giấy khen "Gương PN khuyết tật vượt khó". Năm 2023, chị tiếp tục được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Giấy khen "PN khuyết tật vượt khó thành công".
Cũng ở huyện Cần Đước, anh Đặng Hoàng An (xã Long Định) từng tốt nghiệp khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP.HCM và tiếp tục học cao học, trở thành giảng viên. Với tính cách năng động, hoạt ngôn, anh còn đảm nhiệm vai trò Bí thư Đoàn khoa và giảng viên thỉnh giảng tại 2 trường cao đẳng ở TP.HCM. Giữa năm 2016, một biến cố bất ngờ ập đến khi anh bị tụt canxi máu, ngã từ tầng hai xuống khiến đôi chân không thể đi lại. Hai tháng liền, anh điều trị trong phòng bệnh với những bệnh nhân thập tử nhất sinh. Khi bác sĩ thông báo đôi chân không còn khả năng phục hồi, anh rơi vào khủng hoảng. Nhờ sự động viên từ gia đình và bạn bè, anh tìm đến các chương trình truyền cảm hứng, đọc tự truyện của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, sách về Nguyễn Thế Vinh - người dù bị cưa cụt tay phải vẫn chơi guitar và thổi harmonica. Những câu chuyện ấy giúp anh tự chữa lành tâm hồn. Từ năm 2019, anh trở thành cộng tác viên, chuyên gia tư vấn cho Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long, tiếp tục lan tỏa năng lượng tích cực.
Năm 2018, chỉ 2 năm sau khi gặp biến cố, anh An bắt đầu tham gia công tác thiện nguyện. Xuất phát từ lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ mình trong thời điểm khó khăn, bao gồm cả những người anh chưa từng gặp, anh mong muốn lan tỏa sự sẻ chia và hỗ trợ những NKT khác có hoàn cảnh tương tự. Với anh, đó không chỉ là trả ơn mà còn là cách để mang lại niềm hy vọng và động lực sống cho cộng đồng.
Năm 2019, anh An khởi xướng mô hình Bước chân nhân ái, hỗ trợ phương tiện cho NKT như xe lăn, giường bệnh, xe điện và khung tập đi, tùy theo nhu cầu của người nhận. Kinh phí thực hiện đến từ sự đóng góp của người thân, bạn bè và nhà hảo tâm. Tính đến nay, anh đã trao tặng 94 phương tiện với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, không chỉ trong tỉnh Long An mà còn ở các địa phương khác như Sóc Trăng, Cà Mau và Tiền Giang. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên trao tặng hàng ngàn phần quà gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt vào các dịp lễ, tết,... mang lại niềm vui cho nhiều người.
“Ướ́c mơ lớn nhất của tôi là thành lập một câu lạc bộ dành cho NKT. Với tư cách pháp nhân, câu lạc bộ sẽ tạo điều kiện để tôi và các thành viên triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, không chỉ về phương tiện đi lại mà còn ở các khía cạnh khác như giáo dục, việc làm và nâng cao đời sống tinh thần cho NKT. Tôi tin chắc rằng câu lạc bộ sẽ trở thành "cầu nối" giúp nhiều NKT vượt qua khó khăn và sống tích cực hơn” - anh An tâm sự.
Việc hỗ trợ, chăm lo cho NKT không chỉ thể hiện tinh thần nhân ái, sẻ chia mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng và văn minh. Dù là hành động nhỏ hay lớn đều mang lại ý nghĩa, giúp NKT vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/quan-tam-cham-lo-ho-tro-nguoi-khuyet-tat-a186378.html