Quan tâm hướng nghiệp học sinh học nghề

Tổ chức riêng ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho khối các trường nghề sẽ giúp cho việc hướng nghiệp tập trung hơn vào mảng lao động nghề.

Học sinh tham gia trải nghiệm tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm học 2019-2020 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức tại Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai. Ảnh: H.Yến

Học sinh tham gia trải nghiệm tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm học 2019-2020 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức tại Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai. Ảnh: H.Yến

Tuy nhiên, trong khâu tổ chức cần quan tâm hơn đến phân khúc học sinh có xu hướng học nghề. Như vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh sẽ hiệu quả hơn.

* Trực tiếp trải nghiệm để chọn nghề

Sau khi tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm học 2019-2020 (được tổ chức tại Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai vào cuối tháng 11), em Hoàng Văn Huy (lớp 12A3 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, TP.Biên Hòa) đã quyết định sẽ chọn học nghề cơ khí.

Huy cho biết: “Tại ngày hội, em đã trực tiếp tham quan, trải nghiệm nhiều gian hàng của các trường nghề. Em được nghe các thầy cô giới thiệu nhiều thông tin bổ ích như: thời gian đào tạo, công việc sau khi ra trường, nhu cầu tuyển dụng hiện nay… Chính nhờ những thông tin này mà em đã quyết định chọn nghề cơ khí và sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin về các trường có đào tạo nghề này để lựa chọn nơi học tập sau khi tốt nghiệp THPT”.

Huy không phải là học sinh duy nhất tìm được nghề phù hợp thông qua chương trình tư vấn, hướng nghiệp. Em Vũ Minh Quân (lớp 12A10 Trường THPT Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Qua tư vấn của các thầy tại ngày hội, em hiểu được rằng việc chọn ngành nghề nên căn cứ vào sở thích, năng lực của bản thân chứ không nhất thiết phải chọn nghề theo sự kỳ vọng của cha mẹ. Tuy vậy, khi bản thân đã có quyết định riêng thì cũng cần có sự trao đổi, thuyết phục cha mẹ để đi đến thống nhất. Riêng bản thân em đã có niềm đam mê hội họa nên sẽ chọn ngành thiết kế đồ họa ở trường cao đẳng. Trước mắt là em mới chọn nghề, còn việc chọn trường thì tính sau”.

Kể từ khi khối các trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp được giao lại cho Bộ Lao động - thương binh và xã hội quản lý, đây là lần đầu tiên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động này được các trường nghề tham gia ngày hội đánh giá cao.

Ông Nguyễn Quốc Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng điện lực TP.Hồ Chí Minh là người đã tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh được 10 năm. Theo ông, trong những ngày hội tổ chức chung giữa các trường đại học và cao đẳng, học sinh đa số tập trung đến gian hàng của các trường đại học mà ít để ý gian hàng của các trường cao đẳng nghề. Do đó, bản thân ông rất mong có được chương trình tư vấn dành riêng cho khối trường nghề. Vì khi đó, học sinh mới thực sự có thời gian, không gian để tìm hiểu các trường nghề. Việc tìm hiểu, trải nghiệm trực tiếp trong ngày hội sẽ có tác động nhất định đến việc chọn nghề, chọn trường của các em.

* Cần phân loại học sinh trong tư vấn hướng nghiệp

Hoạt động của Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm học 2019-2020 được các trường nghề tham gia đánh giá cao. Tuy nhiên, số lượng học sinh THPT tham gia ngày hội lại khá khiêm tốn.

Ông Nguyễn Quốc Thanh Long cho hay: “Tôi mong rằng các trường nghề ngày càng làm chủ các hoạt động, diễn đàn tư vấn, tuyển sinh chứ không phải ở thế yếu hơn so với các trường đại học như từ trước đến nay. Những ngày hội như thế này cũng là dịp để các trường nghề gắn kết với nhau, cùng nhau hỗ trợ, đưa thông tin tư vấn hướng nghiệp đến học sinh một cách có trọng tâm”.

Đồng tình với quan điểm của ông Long, ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, phụ trách Phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng, ngày hội tư vấn, hướng nghiệp cần có sự phối hợp tốt hơn với ngành GD-ĐT để huy động được học sinh của nhiều trường THPT tham gia. Như vậy, thông tin về định hướng đào tạo nghề mới được lan tỏa. Trong trường hợp không thể huy động quá đông học sinh thì có thể huy động đại diện Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên, Ban cán sự lớp… Đây là những hạt nhân giúp ích cho công tác tư vấn, hướng nghiệp.

Cũng có ý kiến cho rằng, công tác tư vấn, hướng nghiệp của những ngày hội như thế này cần đi theo hướng phân luồng ngay từ đầu. Nghĩa là Ban tổ chức nên chú ý mời đến ngày hội những học sinh có xu hướng chọn học nghề (học sinh đã xác định sẽ học nghề; học sinh có học lực trung bình, trung bình khá ít có khả năng học đại học…). Như vậy, việc tư vấn sẽ đi vào trọng tâm hơn và công tác tuyển sinh sẽ có thêm thuận lợi.

Em Trương Phan Ngọc Ánh (lớp 10A10 Trường THPT Lê Quý Đôn, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết: “Hiện tại, em chưa xác định được tương lai sẽ làm nghề gì nên rất muốn tham gia những ngày hội tư vấn hướng nghiệp. Cá nhân em mong muốn có thêm nhiều chương trình tư vấn riêng về giáo dục nghề nghiệp để hiểu thêm cơ hội việc làm, vị trí việc làm và mức thu nhập của lao động nghề để tìm được định hướng của mình trong tương lai”.

Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết: “Theo Tổng cục Thống kê, cứ 1 học sinh học đại học thì có 0,46 học sinh học nghề. Trong khi đó, hằng năm có khoảng hơn 250 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học không xin được việc làm. Mặc dù thị trường lao động hiện nay đang cần nhiều lao động qua đào tạo nghề, nhất là những nghề phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng tâm lý của đa số phụ huynh và học sinh vẫn còn xem trọng việc học đại học hơn. Các em học sinh có thể học nghề để sớm có việc làm, sau đó học nâng cao lên. Rõ ràng, lựa chọn học nghề cũng là một hướng đi tốt”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201912/quan-tam-huong-nghiep-hoc-sinh-hoc-nghe-2977127/