Quan tâm phát triển các câu lạc bộ văn hóa truyền thống ở Hướng Hóa

Hướng Hóa có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô. Xác định bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả, trong đó việc xây dựng, duy trì và phát triển hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) văn hóa truyền thống rất được quan tâm.

CLB đan lát Tân Thành vừa đem lại thu nhập cho các thành viên vừa góp phần bảo tồn nghề truyền thống - Ảnh: K.S

CLB đan lát Tân Thành vừa đem lại thu nhập cho các thành viên vừa góp phần bảo tồn nghề truyền thống - Ảnh: K.S

CLB Cồng chiêng xã Xy được vận động thành lập từ năm 2022. Sự ra đời của CLB này là cả một quá trình trăn trở của chính quyền địa phương, bởi nghệ nhân biết sử dụng các loại nhạc cụ cũng như am hiểu nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng còn quá ít và cũng chỉ có thể thực hành rất sơ lược. Lúc bấy giờ, nhạc cụ của các thành viên CLB chỉ còn 2-3 loại nhưng đã hư hỏng, trang phục truyền thống hầu như không có.

Được sự quan tâm của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa trang cấp trang phục, nhạc cụ và tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, kỹ năng biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống nên các thành viên trong CLB rất phấn khởi, thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tập luyện chung.

Đến nay, CLB Cồng chiêng xã Xy đã duy trì và phát triển rất tốt hoạt động, các nghệ nhân đã sử dụng rất thành thạo nhạc cụ, có thể biểu diễn thuần thục nghệ thuật cồng chiêng, các loại nhạc cụ và các làn điệu dân ca truyền thống như: tà oải, oát, xà nớt...

Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng xã Xy Hồ Văn Hồng cho biết: “Từ khi được hỗ trợ các điều kiện hoạt động, CLB tổ chức sinh hoạt thường xuyên, thành viên tham gia tích cực. Chúng tôi chủ động mời thêm bạn bè, người thân ở các xã khác thành thạo nhạc cụ và hát dân ca đến để giao lưu, học hỏi. Đây là dịp để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm, cách sử dụng nhạc cụ, hát dân ca của các nghệ nhân xã bạn, từ đó có thể tự tin tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương, quan trọng là ai cũng ý thức được vấn đề bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Chúng tôi mong muốn các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí phục vụ cho việc duy trì và phát triển rộng hơn các hoạt động của CLB”.

Trước thực trạng một số nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Vân Kiều và Pa Kô có nguy cơ bị mai một, nhất là đối với nhạc cụ, các làn điệu dân ca, lễ hội..., việc vận động xây dựng CLB văn hóa truyền thống ở các thôn, bản trên địa bàn huyện Hướng Hóa đang trở thành một giải pháp phù hợp với tình hình thực tế cũng như nguyện vọng của đồng bào nơi đây.

Qua thống kê cho thấy, số nhạc cụ hiện còn trong dân là rất ít, số nghệ nhân thành thạo các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca cũng không nhiều, hơn nữa việc truyền dạy lại rất hạn chế. Vì thế, việc bảo tồn văn hóa ở các thôn, bản rất khó khăn.

Việc tuyên truyền vận động thành lập các CLB văn hóa được triển khai rộng khắp về các thôn, bản trên toàn huyện bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: lồng ghép các hội nghị, các buổi họp thôn, bản; sinh hoạt chi bộ; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ cấp cơ sở cho đến cấp huyện nhằm tạo không gian giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng người dân tộc thiểu số...

Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, đặc biệt là thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Hướng Hóa tổ chức nhiều lớp tập huấn về biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống; nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng; nghệ thuật biểu diễn hát các làn điệu dân ca tại các xã vùng DTTS; hỗ trợ trang phục truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô và các loại nhạc cụ truyền thống cơ bản như: cồng, chiêng, khèn bè, đàn ta-pờ- lứa...

Đến nay, toàn huyện có 8 CLB văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô, trong đó 5 CLB cồng chiêng; 1 CLB văn nghệ truyền thống và 2 CLB đan lát truyền thống. Để tổ chức hoạt động có hiệu quả các CLB, chính quyền các xã, thị trấn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, cử cán bộ văn hóa theo dõi và định hướng hoạt động.

Sau hơn 1 năm thành lập, tất cả các CLB đều đi vào hoạt động có nền nếp, chủ động sắp xếp lịch sinh hoạt đều đặn theo tuần, hoặc tháng. Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là khả năng biểu diễn các loại nhạc cụ và hát các làn điệu dân ca của thành viên các CLB còn hạn chế nhưng sự ra đời của các CLB đã tạo ra một không gian văn hóa rất đặc biệt, ở đó có thể khơi gợi cho những nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô bắt gặp lại nguồn cảm xúc rất riêng đối với văn hóa truyền thống dân tộc mà từ lâu họ đã gần như bị quên lãng. CLB hoạt động rất sôi nổi, thành viên tích cực tham gia đầy nhiệt tình và trách nhiệm.

Chủ nhiệm các CLB chủ động trong việc cắt cử thành viên phụ trách công việc phù hợp. Qua đó, các thành viên có cơ hội học hỏi và tiến bộ nhanh hơn. Một số thành viên các CLB còn tự nghiên cứu, học hỏi để chủ động chế tác các loại nhạc cụ phục vụ cho việc tập luyện và biểu diễn. Các CLB đã tự tin biểu diễn tại các hoạt động văn hóa địa phương, như: ngày hội văn hóa các dân tộc, phiên chợ vùng cao, nghệ thuật quần chúng.

Đặc biệt, có CLB có thể biểu diễn phục vụ khách du lịch như: CLB Cồng chiêng Lao Bảo, CLB văn nghệ truyền thống Hướng Phùng; biểu diễn phục vụ công tác quảng bá, truyền thông như: CLB Cồng chiêng Khe Sanh, CLB Cồng chiêng xã Lìa.

Bên cạnh đó, các CLB đan lát cũng được duy trì và phát triển thuận lợi, sản phẩm ngày càng được thị trường yêu thích. Đặc biệt là CLB đan lát Tân Thành đã phát triển hội viên lên đến hơn 100 người. Sản phẩm chổi đót, mây tre của CLB được đan bán quanh năm, vừa đem lại thu nhập cho các thành viên, vừa góp phần bảo tồn nghề truyền thống.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa Hồ Ngọc Tình cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ-HU, ngày 28/10/2021 của BCH Đảng bộ huyện về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào các DTTS Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ điều kiện cho các thôn, bản người DTTS thành lập các CLB văn hóa truyền thống phù hợp với tiềm năng cũng như điều kiện của từng vùng. Tổ chức các lớp tập huấn và các hoạt động văn hóa văn nghệ để các nghệ nhân có điều kiện học hỏi, giao lưu. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức của bà con về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quan-tam-phat-trien-cac-cau-lac-bo-van-hoa-truyen-thong-o-huong-hoa-185984.htm