Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu để quyết đáp chính xác

Sáng mai, 15.1, Quốc hội sẽ khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, xem xét, quyết định 4 nội dung quan trọng, cấp bách. Nhấn mạnh, các nội dung đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, công phu, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG mong muốn, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu đã đề ra để có quyết đáp chính xác, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và thực tiễn phát triển của đất nước.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - chỉnh sửa kỹ lưỡng cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp

- Trong số 4 nội dung được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là hai nội dung đã được Quốc hội cho ý kiến nhiều lần và quyết định chưa thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu để có thêm thời gian hoàn thiện. Gần hai tháng qua, hai dự luật này đã được tiếp thu, chỉnh lý như thế nào, thưa ông?

- Do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Lâm Hiển

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Lâm Hiển

Ngay sau Kỳ họp thứ Sáu, Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra), Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cơ quan chủ trì soạn thảo) và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan đã khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện hai dự thảo Luật này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì các cuộc làm việc giữa lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ với cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cùng các cơ quan liên quan để xem xét cụ thể các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Các Phó Chủ tịch Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách cũng đã có các cuộc làm việc với một số cơ quan về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau.

Tại Phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng về các nội dung của hai dự thảo Luật. Ngay sau khi kết thúc phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội đã ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về từng dự thảo Luật để các cơ quan tiếp tục tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ, thuyết phục trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Có thể nói, từ sau Kỳ họp thứ Sáu đến nay, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm ngày làm đêm, phối hợp chặt chẽ, tập trung cao độ, cẩn trọng, kỹ lưỡng rà soát từng điều khoản, cân nhắc từng phương án để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng 2 dự thảo Luật này. Đến nay, cả hai dự thảo Luật đều đủ điều kiện, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến thời điểm này đã được sứa đổi, bổ sung cả về kỹ thuật lập pháp và nội dung tại 250 điều, bỏ 5 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu. Điều này thể hiện sự kỹ lưỡng, thận trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, nhưng đồng thời cũng cho thấy tính chất phức tạp, độ khó của dự luật này. Ông kỳ vọng như thế nào đối với dự luật được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5?

- Luật Đất đai là đạo luật đặc biệt quan trọng nên lần sửa đổi toàn diện nào cũng được tiến hành hết sức công phu, thận trọng, kỹ lưỡng theo quy trình tại 3 Kỳ họp. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động lập pháp, Quốc hội đã quyết định áp dụng quy trình đặc biệt, chưa thông qua dự luật sau 3 Kỳ họp mà dành thêm thời gian để tiếp tục hoàn thiện. Thực tế cho thấy, đây là quyết định rất đúng đắn của Quốc hội, bởi thêm gần 2 tháng nữa, dự luật đã có sự chỉnh sửa rất kỹ lưỡng cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội Khóa XV

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội Khóa XV

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, đến nay, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, rà soát từng điều khoản, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện 18 nội dung, đều là những vấn đề lớn, rất căn cốt của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tất nhiên, không thể nào có câu chuyện một dự luật có thể “đo ni đóng giày” tích hợp được hết mọi ý kiến, đề xuất, mong muốn, kỳ vọng trong xã hội. Chính vì vậy, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, nhất là với các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, các cơ quan đã quán triệt nghiêm túc quan điểm của Trung ương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao, nhất là những vấn đề đã có quyết sách của Trung ương, những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Do đó, đến thời điểm này, dự thảo Luật đã đáp ứng được các mục tiêu, nguyên tắc đặt ra khi sửa đổi Luật Đất đai, những ý kiến chưa tiếp thu cũng đã được giải trình kỹ lưỡng, có lý lẽ thỏa đáng.

8 cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

- Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một Kỳ họp. Ông đánh giá như thế nào về các chính sách được đề xuất?

- Tại Kỳ họp thứ Sáu, trên cơ sở kết quả giám sát tối cao về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và việc phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình.

Ngay sau Kỳ họp, Chính phủ đã khẩn trương xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết và Hội đồng Dân tộc đã chủ trì thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 29. Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều, quy định 8 cơ chế, chính sách đặc thù gồm: phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do Nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của Nhân dân.

Về cơ bản, các chính sách này đã bám sát tinh thần và yêu cầu của Quốc hội qua giám sát tối cao việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ Sáu. Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát các chính sách, thể hiện đầy đủ nội dung đã được giao tại các Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV và Nghị quyết số 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt lưu ý việc tránh tình trạng để tháo gỡ, đẩy nhanh thực hiện nhưng lại tạo nên rào cản mới, thủ tục rườm rà, phức tạp hơn. Đơn cử như với chính sách thứ 4 về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu phải thiết kế cụ thể hơn, dễ hiểu, dễ thực hiện, tháo gỡ được các khó khăn, nhất là các thủ tục tạm ứng, thanh quyết toán, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Hay với chính sách thứ 7 về thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chủ trương lựa chọn địa bàn để thực hiện thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng đồng thời cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương đôn đốc các địa phương báo cáo những vấn đề liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm quy định sát tình hình thực tiễn, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh được tiến độ thực hiện.

- Kỳ họp diễn ra trong thời gian ngắn, trong khi các nội dung được xem xét, quyết định đều hệ trọng và cấp bách. Ông có kỳ vọng như thế nào đối với Kỳ họp?

- Chúng ta gọi là Kỳ họp bất thường là bởi tên gọi này đã được quy định trong Hiến pháp, trong Luật Tổ chức Quốc hội chứ không hàm nghĩa rằng vì bất thường, cấp bách nên có thể có vấn đề gì đó “cấn cá” về mặt chất lượng các nội dung trình Quốc hội. Dù là Kỳ họp bất thường nhưng các nội dung đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì không biết bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu công sức của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã dồn vào đây, kể cả Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo Chính phủ cũng theo “sát sàn sạt” quá trình tiếp thu, chỉnh lý, giải trình với mục tiêu cao nhất là có một bản dự thảo Luật chất lượng, khả thi. Trên cơ sở sự chuẩn bị như vậy, tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu đã đề ra để có quyết đáp chính xác, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và thực tiễn phát triển của đất nước.

- Xin cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!

Quỳnh Chi thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/quan-triet-sau-sac-quan-diem-muc-tieu-de-quyet-dap-chinh-xac--i357500/