Quảng Nam đề xuất GV nhận công tác tại xã khu vực III được hỗ trợ 100 triệu đồng
Viên chức giáo viên lần đầu đến công tác tại xã khu vực III hoặc thôn đặc biệt khó khăn tại 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam được hỗ trợ 100 triệu đồng.
Theo dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam quy định chính sách đối với viên chức giáo viên công tác ở các huyện miền núi cao của tỉnh giai đoạn 2025-2026, viên chức giáo viên công tác ở các huyện miền núi cao của tỉnh được hỗ trợ lần đầu khi nhận công tác và hỗ trợ sinh hoạt hằng tháng. Các huyện miền núi cao trong dự thảo nghị quyết gồm: Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn (6 huyện - PV).
Mức hỗ trợ cụ thể đối với viên chức giáo viên lần đầu đến công tác tại các xã khu vực III hoặc thôn đặc biệt khó khăn là 100 triệu đồng/người; tại các xã khu vực II là 75 triệu đồng/người; tại các xã khu vực I là 50 triệu đồng/người.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ sinh hoạt hằng tháng giúp viên chức có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, tiếp tục yên tâm công tác, dự thảo Nghị quyết cũng quy định chính sách hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng đối với viên chức giáo viên, áp dụng trong thời gian thực tế làm việc ở các huyện miền núi cao. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
1.800.000 đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các xã khu vực III hoặc thôn đặc biệt khó khăn;
1.500.000 đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các xã khu vực II;
1.200.000 đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các khu vực I;
Đối tượng được hưởng chính sách nêu trên phải chịu trách nhiệm bồi thường 100% kinh phí được hỗ trợ nếu vi phạm một trong các trường hợp sau: Không chấp hành sự phân công công tác của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền; liên tục 02 năm liền bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ; đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời gian cam kết làm việc; tự ý bỏ việc trong thời gian cam kết; bị kỷ luật buộc thôi việc.
Theo báo cáo đánh giá tác động dự thảo Nghị quyết của Sở Nội vụ tỉnh nêu thực tế, những năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân đã quan tâm chỉ đạo, giám sát việc triển khai chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, đội ngũ viên chức ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng ở các huyện miền núi cao của tỉnh vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao. Các chế độ, chính sách của Nhà nước vẫn chưa đủ sức thu hút, giữ chân lâu dài đội ngũ viên chức.
Công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục những năm gần đây cho thấy, việc thu hút sinh viên đăng ký dự tuyển về địa bàn các huyện miền núi cao của tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Qua thống kê từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ viên chức trúng tuyển trung bình chung các kỳ tuyển dụng tại các huyện miền núi cao của tỉnh chỉ đạt khoảng hơn 50%.
Trong khi đó, một số trường hợp đã trúng tuyển nhưng không đến nhận công tác dẫn đến nhiều địa phương, đơn vị bị thiếu hụt nhân lực trong thời gian dài.
Theo thống kê của các cơ quan, địa phương, từ năm 2019 đến nay, có khoảng 530 viên chức ngành giáo dục chuyển công tác ra khỏi các huyện miền núi cao của tỉnh. Cũng trong giai đoạn này, hơn 90 viên chức công tác tại các trường thuộc địa bàn huyện miền núi cao đã xin thôi việc.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 171 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập đóng chân tại 06 huyện miền núi cao của tỉnh với 4.766 chỉ tiêu người làm việc được giao, tổng số viên chức hiện có là 4.196 người (chiếm 88% so với chỉ tiêu người làm việc được giao). Trong đó, viên chức nữ là 3.037 người (chiếm 72,4%); viên chức người dân tộc thiểu số là 1.989 người (chiếm 47,4%).