Quảng Ngãi: Chủ động ứng phó với sạt lở núi Mang Kà Muồng

Tại Núi Mang Kà Muồng, ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi vừa xuất hiện điểm sạt lở lớn với các vết nứt đất sâu và dài, đe dọa trường mầm non và nhiều nhà dân dưới chân núi.

Những vết sạt lở mới xuất hiện ở núi Mang Kà Muồng, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: ST

Những vết sạt lở mới xuất hiện ở núi Mang Kà Muồng, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: ST

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sơn Hà vừa phối hợp với xã Sơn Bao tổ chức đoàn kiểm tra tình trạng sạt lở núi. Đoàn kiểm tra đã phát hiện điểm sạt lở ở núi Mang Kà Muồng. Điểm sạt lở này xuất hiện các vết nứt đất dài 60m, đoạn sụt lún sâu nhất khoảng 2m. Đã có một lượng đất, đá bị sạt lở xuống chân núi chất thành đống, cho thấy nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Điểm sạt lở núi Mang Kà Muồng có các vết nứt dài đến 60m và chỗ sụt lún sâu nhất trên 2m. Ảnh: ST

Điểm sạt lở núi Mang Kà Muồng có các vết nứt dài đến 60m và chỗ sụt lún sâu nhất trên 2m. Ảnh: ST

Hiện nay, điểm sạt lở này đang đe dọa trực tiếp nhà ở của 4 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu; nhà văn hóa thôn; điểm trường mầm non Hướng Dương hiện có 1 cô giáo và 27 học sinh tọa lạc ở ngay dưới chân núi Mang Kà Muồng.

Điểm sạt lở còn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng gián tiếp đến nhà ở của 5 hộ dân sống lân cận, 5.000m² đất nông nghiệp phía trên đỉnh núi và rừng keo của người dân. Gây ra tắc nghẽn đường giao thông đi hồ chứa nước Nước Trong; ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của 80 hộ dân xóm Mang Kà Muồng; Nhà máy thủy điện Nước Trong; nhà điều hành Trạm quản lý thủy nông số 7; điểm Trường Tiểu học Sơn Bao.

Ngay sau khi phát hiện điểm sạt lở, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành di dời điểm Trường Mầm non Hướng Dương đến nơi an toàn.

Xã Sơn Bao thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ; kịp thời tổ chức sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đến nơi an toàn. Bố trí đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân tại nơi sơ tán theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất; chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó. Tổ chức dựng biển cảnh báo nguy hiểm, rào lưới chắn để hạn chế đá lớn lăn ra đường và thông báo rộng rãi cho nhân dân trong vùng biết để phòng tránh những nguy hiểm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản./.

TRẦN HUYỀN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/quang-ngai-chu-dong-ung-pho-voi-sat-lo-nui-mang-ka-muong-34965.html