Quảng Ngãi: Hàng chục người căng băng rôn đòi nợ doanh nghiệp

Theo danh sách do người lao động lập ra, có 44 người của Nhà máy gạch Phong Niên (thuộc Công ty Licogi) bị nợ lương, bảo hiểm…, với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Cao Tính (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) làm việc ở phân xưởng nhà máy gạch Phong Niên, thuộc Công ty CP Licogi từ năm 1994. Tháng 10/2020, Công ty CP Licogi đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Tính nhưng số tiền nợ lương từ năm 2019- 2020, trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp là 97 triệu đồng, công ty vẫn không chi trả.

Người lao động chia sẻ bức xúc khi bị nợ lương, bảo hiểm.

Người lao động chia sẻ bức xúc khi bị nợ lương, bảo hiểm.

“Tôi nhiều lần đến công ty đòi nợ, lãnh đạo công ty than làm ăn khó khăn, bảo tôi kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, nợ của tôi và hàng chục người khác vẫn chưa được trả”, ông Tính chia sẻ.

Theo ông Tính, ngày 17/7 vừa qua, ông cùng nhiều lao động có đơn yêu cầu công ty xác nhận nợ lương và các chế độ theo quy định nhưng công ty cũng chưa thực hiện.

Tương tự, ông Huỳnh Hân (xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi) làm việc cho công ty Licogi từ năm 1996, đến năm 2020 vì tình hình kinh doanh gặp khó khăn nên công ty cho ông nghỉ việc. Số tiền công ty còn nợ ông khoảng 30 triệu đồng, gồm tiền lương, trợ cấp thôi việc.

“Nghỉ việc ở công ty, tôi về nhà làm ruộng, nuôi mẹ già 86 tuổi và 4 đứa con. Mẹ tôi thường xuyên ốm đau, tôi nhiều lần yêu cầu công ty trả nợ để có tiền xoay xở, nhưng họ cứ than khó khăn”, ông Hân nói.

Hoặc như ông Lưu Trọng Hà (xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi) cũng nghỉ việc từ năm 2019 nhưng Công ty CP Licogi còn nợ hơn 30 triệu đồng tiền trợ cấp thôi việc.

Theo danh sách do người lao động bị nợ lương lập ra, có 44 người của Nhà máy gạch Phong Niên, thuộc Công ty Licogi bị nợ lương, bảo hiểm, trợ cấp…, với số tiền trên 1,7 tỷ đồng. Trong đó, người bị nợ cao nhất là 180 triệu đồng, người thấp nhất 1 triệu đồng.

Đa số họ là những lao động chân tay đã cống hiến cho công ty hàng chục năm, đồng thời là trụ cột trong gia đình nhưng bị nợ lương, đã trực tiếp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của gia đình họ.

Người lao động căng băng rôn ở trụ sở Công ty CP Licogi ở đường Hai Bà Trưng (TP Quảng Ngãi).

Người lao động căng băng rôn ở trụ sở Công ty CP Licogi ở đường Hai Bà Trưng (TP Quảng Ngãi).

Bức xúc dâng cao, ngày 9/8 vừa qua, hàng chục người kéo đến trụ sở Công ty CP Licogi Quảng Ngãi giăng băng rôn, yêu cầu đơn vị này trả tiền nợ lương, tiền trợ cấp thôi việc, tiền trợ cấp thất nghiệp, tiền bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản mà công ty này nợ từ năm 2019 đến nay. Đáng chú ý, trước đó, vào năm 2022, người lao động cũng từng căng băng rôn trước công ty để đòi quyền lợi chính đáng.

Người lao động căng băng rôn ở trụ sở Công ty cổ phần Licogi vào năm 2022.

Người lao động căng băng rôn ở trụ sở Công ty cổ phần Licogi vào năm 2022.

Ngay sau khi người dân kéo đến trụ sở vào ngày 9/8, lãnh đạo Công ty CP Licogi Quảng Ngãi cùng một số đơn vị chức năng có buổi đối thoại với người lao động.

Tại buổi làm việc, thay mặt Tổng Công ty và Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi, ông Phùng Hải Phong – Giám đốc Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi gửi lời xin lỗi đến người lao động và lý giải nguyên nhân dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng, nợ thuế là do công ty đang gặp khó khăn.

“Công ty cố gắng hoàn thiện hồ sơ các công trình để thu hồi nợ về giải quyết bớt nợ nhưng thủ tục hồ sơ bị vướng nên không thực hiện được việc trả nợ như đã hứa với người lao động. Trong tháng 9/2023 sẽ xác nhận xong nợ lương và các công nợ có căn cứ rõ ràng”, ông Phong cho hay.

Cũng theo ông Phong, công ty phải xin ý kiến của Tổng Công ty và bắt đầu từ ngày 14/8/2023 sẽ liên lạc với từng người đến công ty để đối chiếu nợ lương, cố gắng đối chiếu xác nhận hết cho người lao động trong thời gian sớm nhất.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-hang-chuc-nguoi-cang-bang-ron-doi-no-doanh-nghiep.html