Quảng Ngãi nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Với mục tiêu xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, minh bạch và an toàn, thời gian qua, Quảng Ngãi luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với hàng loạt giải pháp được triển khai.
Môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện
Những năm qua, Quảng Ngãi đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Riêng năm 2023, tỉnh thu hút được 8 dự án FDI đăng ký với số vốn hơn 360 triệu USD và 19 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 17.000 tỷ đồng.
Để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tỉnh thành lập tổ công tác đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc và tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp định kỳ.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong số gần 300 kiến nghị của 150 doanh nghiệp, tỉnh đã giải quyết 250 kiến nghị, đạt tỷ lệ 83,3%; số kiến nghị còn lại là vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện với doanh nghiệp luôn được tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm.
Trong công tác cải cách hành chính, tập trung rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thủ tục không hiệu quả, nâng cao hiệu quả quản lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị cấp trên sửa đổi, bổ sung.
Để mở rộng hợp tác, gặp gỡ, kết nối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, Quảng Ngãi còn tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Qua đó, không chỉ gặp gỡ, lắng nghe mà còn thể hiện tinh thần cởi mở, sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho biết, tỉnh xác định hai yếu tố để thực hiện tốt công tác cải thiện môi trường đầu tư, trong đó, vấn đề quan trọng là phải có nội dung tốt, gồm hạ tầng, nguồn lực, công nghệ và đẩy mạnh xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đến với Quảng Ngãi.
Từ định hướng này, tỉnh tập trung đơn giản hóa, rút ngắn quy trình xử lý; chỉ đạo, giám sát, kiểm tra giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả và chất lượng, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp
Đồng thời triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR INDEX), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS).
Phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cảng biển; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và đào tạo nghề, kỹ năng cho người lao động.
Duy trì và nâng cao hiệu quả, đổi mới phương thức các buổi đối thoại doanh nghiệp, đẩy mạnh chất lượng công tác tham mưu, giải quyết dứt điểm khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
“Tỉnh Quảng Ngãi luôn công khai, minh bạch thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thủ tục hành chính cũng như tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cấp chính quyền trực tiếp tương tác với doanh nghiệp phải có cách tiếp cận mới, trải lòng chào đón nhà đầu tư như khách đến nhà, coi doanh nghiệp là trọng tâm trong phát triển kinh tế của tỉnh”-ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết.
Không gian mới để bứt phá
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 2 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế Dung Quất tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang nhận định, 2 quy hoạch này đều thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới”, phù hợp định hướng phát triển đất nước và các quy hoạch liên quan, mở ra không gian mới để Quảng Ngãi phát triển bứt phá.
Tỉnh lựa chọn 3 trụ cột “kinh tế-xã hội-môi trường”, đặt doanh nghiệp và con người là trung tâm, động lực chính của sự phát triển, xem đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo là nền tảng.
Trước mắt, tỉnh phê duyệt danh mục thu hút đầu tư với 34 dự án công nghiệp, y tế, dịch vụ-du lịch, môi trường, hạ tầng đô thị, thương mại-dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Về triển khai thực hiện quy hoạch, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung rà soát kỹ quy hoạch và trên cơ sở lợi thế của từng vùng, miền, địa phương, ngành để giải quyết các vấn đề một cách thấu đáo, hiệu quả; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả quản lý quy hoạch.
Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các ngành, lĩnh vực then chốt, có tính đột phá và sức lan tỏa; đa dạng hình thức thu hút đầu tư, xã hội hóa nguồn lực; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đột phá cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học hiện đại, đồng bộ, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-no-luc-cai-thien-moi-truong-dau-tu.html