Quảng Ninh chủ động mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc tại Việt Nam. Với tinh thần chủ động và linh hoạt, Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa các quy định mới vào thực tiễn, đặc biệt là việc mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Chủ động triển khai, đồng bộ kế hoạch từ cấp tỉnh đến cơ sở

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh và BHXH Việt Nam. Trong đó, trọng tâm là công tác truyền thông và phổ biến quy định mới về mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Các hội nghị trực tuyến và trực tiếp đã được tổ chức đến từng xã, phường, doanh nghiệp và người dân, với nội dung tập trung vào những nhóm đối tượng lần đầu tiên được đưa vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Bao gồm người làm nghề quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, chủ hộ kinh doanh có đăng ký và nộp thuế theo phương pháp kê khai, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất...

Đội ngũ cán bộ, nhân viên thu tại các tổ chức dịch vụ thu trên toàn tỉnh cũng được tập huấn chuyên sâu để nắm chắc các quy định mới và triển khai thống nhất trên địa bàn. Đồng thời, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp xã để tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách tới từng người dân, người lao động và người sử dụng lao động.

Cán bộ BHXH tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền chính sách đến các hộ kinh doanh trên địa bàn. Ảnh BHXH Quảng Ninh

Cán bộ BHXH tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền chính sách đến các hộ kinh doanh trên địa bàn. Ảnh BHXH Quảng Ninh

Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc không chỉ là yêu cầu về chính sách, mà còn là trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Do đó, công tác rà soát và thống kê các nhóm đối tượng mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà BHXH Quảng Ninh đặc biệt chú trọng.

BHXH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp, cơ quan thuế, liên minh hợp tác xã… để xác định rõ từng nhóm đối tượng, từ cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố, đến hộ kinh doanh có đăng ký và nộp thuế theo kê khai, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước không hưởng lương. Trong lĩnh vực kinh tế tập thể, các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, kiểm soát viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cũng thuộc diện bắt buộc nếu không nhận lương nhưng có chức danh quản lý theo Luật Hợp tác xã.

Tập trung vào nhóm lao động tự do và phi chính thức

Bên cạnh BHXH bắt buộc, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện – một trụ cột quan trọng trong chiến lược an sinh xã hội bền vững. Lực lượng lao động tự do, lao động bán thời gian, đặc biệt là người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo… là nhóm khó vận động do chưa có thói quen tham gia BHXH, thu nhập không ổn định. Trước thực tế này, BHXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên để tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng đến tận thôn bản.

Tính đến tháng 7/2025, toàn tỉnh đã có hơn 700 nhân viên thu thuộc 03 tổ chức dịch vụ thu đang hoạt động tích cực, bám sát phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để lan tỏa chính sách BHXH. Đặc biệt, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù cho người tham gia BHXH tự nguyện, theo Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND. Cùng với chính sách của Trung ương theo Nghị định 159/2025/NĐ-CP, người tham gia thuộc hộ nghèo được hỗ trợ tới 80% mức đóng; hộ cận nghèo và người ở xã đảo, đặc khu được hỗ trợ 70%, người dân tộc thiểu số 50%, và các nhóm còn lại cũng được hỗ trợ tới 40%.

Chị Nguyễn Thị Hải, một chủ hộ kinh doanh nhỏ tại phường Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh bày tỏ sự đồng thuận: “Trước đây tôi nghĩ BHXH chỉ dành cho người đi làm công ăn lương, nhưng giờ được giải thích rõ, tôi thấy mình cũng cần có sự chuẩn bị. Việc được Nhà nước hỗ trợ mức đóng lên đến 40% khiến tôi yên tâm hơn để tham gia lâu dài".

BHXH Quảng Ninh tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phố biến quy định mới trong luật BHXH. Ảnh BHXH Quảng Ninh

BHXH Quảng Ninh tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phố biến quy định mới trong luật BHXH. Ảnh BHXH Quảng Ninh

Luật BHXH sửa đổi 2024 không chỉ mở rộng đối tượng, mà còn bổ sung nhiều chính sách nhân văn, hướng đến người dân có hoàn cảnh đặc biệt. Đáng chú ý nhất là quy định giảm thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm – áp dụng cho cả nam và nữ – tạo cơ hội cho hàng triệu người lao động tiếp cận lương hưu sớm hơn.

Ngoài ra, người có thời gian đóng vượt quá số năm tối đa để tính lương hưu (30 năm với nữ, 35 năm với nam) sẽ được nhận trợ cấp một lần cho mỗi năm dư. Người không đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng đã đóng BHXH từ 5 năm trở lên sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng và được Nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Đặc biệt, chính sách hưu trí xã hội lần đầu tiên được đưa vào luật, giúp người già không có lương hưu vẫn được trợ cấp từ ngân sách. Độ tuổi được nhận trợ cấp xã hội đã giảm từ 80 xuống 75 tuổi và chỉ còn 70 tuổi đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Chia sẻ về nỗ lực triển khai đồng bộ và quyết liệt tại địa phương, ông Nguyễn Huy Thông, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Việc mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc không chỉ là thực hiện quy định pháp luật, mà còn là cách chúng tôi bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người dân. Mỗi người tham gia BHXH hôm nay là một bước gần hơn tới cuộc sống an toàn, vững chắc khi về già”.

Trong bối cảnh già hóa dân số và nhiều biến động lao động, chính sách BHXH đang trở thành "tấm khiên" bảo vệ an toàn cho người lao động và là công cụ thiết yếu để đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai.

Việc triển khai Luật BHXH sửa đổi tại Quảng Ninh không chỉ là thực thi chính sách, mà còn là nỗ lực cụ thể hóa mục tiêu xây dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bền vững. Sự chủ động, phối hợp đồng bộ giữa BHXH tỉnh với các sở, ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội đã tạo nền tảng vững chắc để mở rộng độ bao phủ BHXH, đặc biệt là BHXH bắt buộc cho các nhóm đối tượng mới.

Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-chu-dong-mo-rong-nhom-doi-tuong-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-180270.html