Quảng Trị, niềm vui ngày trở lại

Có một cảm xúc rất đỗi thiêng liêng cứ dâng lên trong lòng tôi khi biết mình đang trở lại Quảng Trị, quay về với mảnh đất của một thời khói lửa, đạn bom, một biểu tượng của hồn thiêng sông núi với bao ngổn ngang bề bộn trước công cuộc tái thiết. Giờ đây, mỗi đoạn đường đi qua, mỗi tên đất, tên làng đều gợi lại bao kỉ niệm của những ngày đầu rời mái nhà chung Bình Trị Thiên để Quảng Trị trở lại với chính danh của mình. Mới đó mà đã 30 năm...

 Các công trình thủy lợi được xây dựng góp phần đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Ảnh: PV

Các công trình thủy lợi được xây dựng góp phần đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Ảnh: PV

Ba mươi năm tuy chưa dài, nhưng với Quảng Trị cũng đủ để khẳng định sự vận động tự thân trên bước đường phát triển. Có thể nói, ở Quảng Trị giờ đây mọi cái đang còn đan xen, song đã thấy rõ sự vươn mình đi lên trong khó khăn bề bộn. Ba mươi năm với cuộc hành trình nhọc nhằn tái thiết, Quảng Trị đã đi những bước vững chắc trên con đường đổi mới và hội nhập. Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng bộc bạch: “Mỗi thế hệ đều đứng trước một thử thách khắc nghiệt và dĩ nhiên gương mặt của thế hệ chỉ ngời sáng khi biết chấp nhận thử thách để vượt qua, để đứng vững và sáng tạo nên những chiến công bất diệt”.

Tôi cảm nhận sâu sắc được điều anh Nguyễn Văn Hùng nói, bởi sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Quảng Trị đã “xốc” lại đội hình với một đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tài để định ra hướng đi và cách làm cụ thể mà trong đó mọi quyền lợi đều hướng về người dân, về sự phát triển bền vững của quê hương. Trên mảnh đất này, cơ ngơi chưa có gì gọi là nhiều, nhưng không phải không có cái để mừng, để nói. Trước hết phải nói đến các công trình thủy lợi, bởi nước ở đây không chỉ là nguồn sống cho cây trồng, vật nuôi, mà còn đảm bảo chính sự sống của con người. Đó là đập ngăn mặn Việt Yên, Sa Lung, cống xi phông An Tiêm, hồ chứa nước Trúc Kinh, Bảo Đài, Tân Kim, Đá Mài... Đặc biệt là công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, một công trình được ứng dụng công nghệ mới nâng tràn đập bằng cao su vào loại lớn nhất Việt Nam. Đó còn là công trình thủy điện- thủy lợi trên sông Rào Quán, điện gió Hướng Linh đã hòa lưới điện quốc gia, cầu Cửa Tùng, cầu Cửa Việt đã nối những bờ vui. Đặc biệt, những cánh rừng ngày nào bầm dập đạn bom, trơ trụi bởi chất độc hóa học, những cánh đồng cháy khô vì hạn hán... nay không còn nữa. Thay vào đó là những cánh rừng tái sinh, rừng phòng hộ, những vườn cây công nghiệp, cây ăn quả, những đồng lúa phì nhiêu trải rộng màu xanh, đan xen giữa Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, các Khu Công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá, đặc biệt là Khu Kinh tế Đông Nam đang khởi động tích cực…

Ngoài những doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước đến đầu tư, còn có 6 quốc gia đã và đang có dự án đầu tư vào Quảng Trị, đó là Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đan Mạch. Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã và đang tiếp tục đầu tư vào Quảng Trị không chỉ vì chính sách ưu đãi, chủ trương thông thoáng, mà họ đã cảm nhận được lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy, rằng: “Đầu tư ở Quảng Trị như một tờ giấy trắng, xin mời các doanh nghiệp hãy đến để viết lên đó những thành công của mình”. Chẳng cần rải thảm với chiếu hoa, chỉ cần một lời kêu gọi cởi mở, nhân văn và đầy trách nhiệm như vậy đã làm cho thu hút đầu tư ở Quảng Trị có những bước khởi sắc và chắc chắn rồi đây sẽ trở thành một bức tranh đẹp với đầy đủ sắc màu của các thành phần kinh tế, để Quảng Trị bứt phá vươn lên khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình.

Là một tỉnh ở xa trung tâm khoa họckĩ thuật lớn của hai đầu đất nước, lại là nơi thường xuyên bị bão ập, lũ tràn nên Quảng Trị đã biết chọn cho mình một hướng đi phù hợp để phát triển nền nông nghiệp bền vững; đã lựa chọn được một tập đoàn cây trồng, vật nuôi thích ứng; hình thành nên những vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa với những cánh đồng lúa đặc sản, năng suất và chất lượng cao, những trang trại vườn đồi, vườn rừng với hàng ngàn héc ta cao su, hàng trăm héc ta hồ tiêu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao... Cũng từ phong trào này, mà nhiều hộ nông dân trở thành triệu phú, tỉ phú ngay trên quê hương mình và vì vậy mà bữa ăn hằng ngày bây giờ không chỉ đã no, mà đang hướng đến bữa ăn ngon. Trong những câu chuyện tôi nghe, những ánh mắt nụ cười tôi gặp đã lấp lánh niềm tin về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực tiễn sôi động…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng nói với tôi mà như nói với chính mình: “Ai gần thực tiễn thì người ấy biết những việc cần làm và những điều cần sửa, đừng thấy nông dân cày hết ruộng, doanh nghiệp nộp đủ thuế mà vội cho rằng chính sách đã tối ưu. Cơn bão manh nha từ cánh chuồn chuồn. Trong sự im lặng bao giờ cũng bí ẩn, khám phá được cái bí ẩn ấy mới là điều cần làm. Quan trọng là phải biết lựa chọn đúng, thích nghi nhanh và cải tiến tốt”. Vâng, lựa chọn đúng, thích nghi nhanh và cải tiến tốt thì Quảng Trị đã và đang thực hiện, nhưng tôi nhận ra điều trăn trở của Bí thư Tỉnh ủy không chỉ có vậy, mà còn lớn hơn, cao hơn đó là làm sao để mỗi một cán bộ đảng viên, mỗi công chức trong bộ máy của Đảng cũng như chính quyền, từ xã lên đến huyện, tỉnh đều phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có năng lực quản lí tốt và phải vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt, có như vậy mới phát huy được mọi nhân tố, huy động được mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương. Và để thực hiện được điều này, Quảng Trị đã bắt đầu từ công tác xây dựng Đảng, mà trước hết là củng cố đội ngũ cán bộ từ xã, huyện đến các ban, ngành của tỉnh, đánh giá đúng năng lực sở trường của cán bộ, đảng viên. Cán bộ có tâm là một yếu tố cần thiết, nhưng chưa đủ, mà cần phải có tầm và có năng lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Bởi theo cách nói của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng, thì “dụng nhân như dụng mộc” vậy: “Người đặt đúng chỗ thì nên nghiệp thành thân, cây trồng đắc thổ thì quả sai, trái ngọt”.

Tôi xin gác lại những câu chuyện huyền thoại về mảnh đất và con người Quảng Trị anh hùng và giàu truyền thống cách mạng của quá khứ, để nói về hiện tại. Một hiện tại bằng da, bằng thịt mà ta có thể sờ nắn và chiêm cảm nó. Ở đây quá khứ được đồng hiện trong hiện tại để nâng ước mơ và khát vọng bay cao, bay xa. Đông Hà, từ một quân trấn nhỏ bé với dày đặc lô cốt, ngổn ngang công sự và chằng chịt dây thép gai, giờ đã là thành phố tỉnh lị, đang vươn mình bên sông Hiếu hiền hòa thơ mộng. Dẫu chưa bằng chị, bằng em nhưng vóc dáng mới của một đô thị lớn đã hình thành, đường phố dẫu còn chật hẹp nhưng đã được chia thành những ô ngang dọc. Rồi trung tâm văn hóa- điện ảnh, khách sạn, công viên, chợ Đông Hà, trung tâm thương mại và những công sở khang trang đã mọc lên bên cạnh một số nhà dân kiến trúc thật tân kì. Có lẽ dấu tích xưa chỉ còn lại xác xe tăng cũ nát của Mỹ nằm ở góc khuất nơi ngã năm đường Lê Quý Đôn - Trần Hưng Đạo với đại lộ Hùng Vương. Và một chiếc áo màu xanh đã phủ kín chiến trường xưa, cây xanh đã làm biến đổi một phần khí hậu, làm cho Quảng Trị đỡ phải chịu những đợt gió tây nam khô nóng.

Nhìn vào toàn cảnh bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Trị hôm nay, có thể nói đất này đã biết bật dậy, vươn lên từ nội lực trước cuồn cuộn cơn lốc của nền kinh tế thị trường, để chứng minh rằng, qua mỗi thời kì quật khởi của dân tộc, Quảng Trị luôn biết cách chuyển hóa năng lượng của mình thành sức mạnh để đi tới và lịch sử nhân loại luôn thuộc về những con người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Quảng Trị coi trọng phát triển toàn diện với việc thay đổi cơ cấu bộ giống và chú trọng thâm canh có chiều sâu, nhờ vậy mà một số huyện đã đưa năng suất lúa bình quân từ 15 tạ/ha lên trên 56 tạ/ ha, đã giải quyết được cơ bản vấn đề lương thực trên địa bàn. Cùng với cây lúa, Quảng Trị còn chú trọng phát triển mạnh cây công nghiệp xuất khẩu, như cao su, hồ tiêu, cà phê... tập trung chủ yếu ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và miền tây Triệu Phong. Kinh tế biển cũng được quan tâm đầu tư đúng hướng nên đã có những khởi sắc đáng kể. Nghề biển của ngư dân bây giờ không chỉ dừng lại với những nghề truyền thống như xăm bãi, lưới rê, mà đã có tàu trung bờ; xa bờ với đầy đủ phương tiện đánh bắt hiện đại, có thiết bị định vị tầm ngư và có khả năng đi biển dài ngày. Nhờ vậy sản lượng hải sản đánh bắt hằng năm đều tăng, nhất là hải sản xuất khẩu.

Với bề dày truyền thống và những thành tựu đã đạt được, Quảng Trị đã đề ra một chiến lược tổng thể để vừa khai thác có hiệu quả các thế mạnh tiềm năng của địa phương, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và các bộ, ngành, vừa có chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút đầu tư và liên doanh liên kết với bên ngoài. Đồng thời, phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn Đảng bộ nhằm phát huy tính năng động sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn bố trí lại nhóm ngành nghề, nhóm sản phẩm để khai thác và phát huy mạnh mẽ mọi yếu tố, mọi tiềm năng của tỉnh và sức mạnh tổng hợp của nhân dân để Quảng Trị được hưởng niềm vui trọn vẹn.

Phan Sáu

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=139848