Quốc hội thảo luận về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Phiên họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Theo đó, năm 2023, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các chương trình, kế hoạch, giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội được thực hiện tốt, một số nội dung vượt chỉ tiêu qua đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự phục vụ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Đối với công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của người dân.

Tăng cường nắm sát tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp, ứng xử phù hợp, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, về tình hình tội phạm, năm 2023, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước,...

Trong bối cảnh đó, toàn ngành KSND đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022).

Về khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết của Tòa án theo thủ tục sơ thẩm: 12.159 vụ án hành chính, tăng 0,9%, các khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp; 446.258 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 7%), nổi lên là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về hợp đồng dân sự cũng chiếm tỷ lệ lớn.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho biết, dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2023.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2023.

Báo cáo về công tác của các tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm.

Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ. Đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm. Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng.

Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 87,04% số vụ việc thụ lý, vượt 9,04% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 78%). Tỷ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng công tác tương trợ tư pháp.

Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã giải quyết, xét xử 75,07% vụ thụ lý, đạt tỷ lệ vượt 15,07% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 60%). Các Tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa các bên; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án; tổ chức 1.034 phiên tòa xét xử trực tuyến góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần, giảm bức xúc cho người khởi kiện.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo tóm tắt Công tác thi hành án năm 2023. Theo đó, năm 2023, Chính phủ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư pháp triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên, quyết liệt với nhiều giải pháp thiết thực; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vụ án lớn, phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng KSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2023; Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Sau đó, Quốc hội dành cả ngày làm việc thảo luận về các báo cáo. Tại phiên thảo luận, có 19 đại biểu phát biểu, ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo.

Bên cạnh đó, đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề. Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu quan tâm tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023 (diễn biến, tính chất và đặc điểm mới của tội phạm và vi phạm pháp luật so với năm 2022, những vấn đề tội phạm và vi phạm pháp luật nổi lên mà dư luận xã hội và cử tri quan tâm và nguyên nhân); kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian tới; những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội là những nguyên nhân dẫn đến tội phạm, vi phạm pháp luật; các giải pháp khắc phục; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, nhận hối lộ, tội phạm kinh tế, tội phạm giết người, tội phạm mua bán người, tội phạm xâm hại trẻ em, bắt cóc trẻ em, tội phạm ma túy, khủng bố, tội phạm trên không gian mạng…

Về báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu thảo luận về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính; công tác kiểm sát thi hành án; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm,…

Về báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu thảo luận xung quanh công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ, việc dân sự; công tác giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác giải quyết yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của tòa án nhân dân các cấp; những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục;…

Quan tâm về công tác thi hành án, đại biểu thảo luận nhiều nội dung. Trong đó, riêng về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trước thực tế số bản án quyết định hành chính đã có hiệu lực chưa thi hành xong vẫn còn nhiều, đại biểu đề nghị cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn vướng mắc, bất cập; đồng thời, có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, xem xét trách nhiệm các cơ quan thi hành án, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp không chấp hành án hành chính, dân sự và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp, để tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thi hành án hành chính, dân sự.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) đề nghị bổ sung một số giải pháp nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, như: Phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế;...

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) đề nghị bổ sung một số giải pháp nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, như: Phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế;...

Về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu thảo luận về: tình hình tham nhũng hiện nay; ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật; việc phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; tính khả thi, hiệu quả của những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới; đề nghị cần phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống tham nhũng…

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với 5 báo cáo của các cơ quan và các báo cáo thẩm tra. Các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng, có đổi mới, bám sát tình hình thực tế, thể hiện kết quả đạt được trên tất cả các mặt công tác trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Điều đó phản ánh sự cố gắng, nỗ lực lớn của các ngành, các lực lượng, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan có liên quan, nghiên cứu xây dựng phần nội dung về công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, đề nghị Quốc hội ghi vào Nghị quyết chung của Kỳ họp, tập trung vào các giải pháp để xử lý kiến nghị của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội để nâng cao hiệu quả, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới./.

T. Bình (tổng hợp)

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-cong-tac-tu-phap-phong-chong-tham-nhung-a30160.html