Quốc hội thông qua 1 luật sửa '9 luật'
Chiều 29/11, với 92,69% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua 1 luật sửa '9 luật'.
Theo giải trình của ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi 2 Luật trên và sửa đổi tên gọi của dự thảo Luật này là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Về Luật chứng khoán, trong quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán cũng như các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường có 2 nội dung còn có ý kiến nhiều chiều, đó là nội dung về: Báo cáo về vốn điều lệ; và việc ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan, tiếp thu, chỉnh lý quy định về 2 nội dung này tại dự thảo Luật theo hướng quy định trong luật mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi.
Về Luật kiểm toán độc lập, trong quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu Quốc hội còn có ý kiến nhiều chiều về xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là mức phạt tiền tối đa và chỉ áp dụng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, có thể xem xét quy định như tại dự thảo Luật để bảo đảm tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên, nhất là thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ việc doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá tác động cụ thể và có mức xử phạt hợp lý đối với từng hành vi như ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Liêu quan đến Luật Quản lý sử dụng tài sản công, về bổ sung hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước chuyển giao về địa phương quản lý, theo ông Mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định này làm căn cứ để triển khai thực hiện hình thức chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung hình thức chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý và không Luật hóa các nội dung quy định cụ thể tại Nghị định.
Đối với Luật quản lý thuế, về quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra, ông Mạnh cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để chủ động phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, theo hướng, bỏ quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý thể hiện tại khoản 6 Điều 6 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quoc-hoi-thong-qua-1-luat-sua-9-luat-10295527.html