Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Với 413/422 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
So với luật hiện hành, dự thảo luật có những điểm mới cơ bản như: Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; Quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ, quy định nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn; Quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; Quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; Bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; Quy định chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; Bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ thống bảo tàng.