Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi): Nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ
Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi): Nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ
Chiều ngày 30/11/2024, với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỉ lệ 91,65%), Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Theo nhận định, việc Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua lần này có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia.
Tạo động lực cho sự ổn định an ninh năng lượng
Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 Chương, 81 Điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách mới về giá, hợp đồng mua bán điện mang tính chất cấp tiến cũng đã được quy định rõ ràng trong luật như: Hợp đồng kỳ hạn điện được quy định rõ là thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên về việc mua bán sản lượng điện năng tại một thời điểm cụ thể trong tương lai với một mức gia đã được thống nhất. Hợp đồng tương lai điện là hợp đồng kỳ hạn được tiêu chuẩn hóa các nội dung chính của hợp đồng quy định tại luật này và được niêm yết trên sàn giao dịch tập trung trên thị trường điện kỳ hạn.
Một số vấn đề về thị trường như: Thị trường điện cạnh tranh; thị trường điện giao ngay; thị trường điện kỳ hạn… cũng được quy định rất cụ thể. Như thị trường điện kỳ hạn với các hợp đồng kỳ hạn sẽ giúp các thành viên tham gia thị trường điện quản lý rủi ro tài chính liên quan đến giá điện và công suất phát thay đổi trên thị trường giao ngay. Cũng thông qua các hợp đồng này, các thành viên viên thực hiện kế hoạch phát triển và huy động công suất theo kế hoạch ngắn hạn hoặc dài hạn… Việc này giúp cho kết cấu thị trường điện đa dạng, đầy đủ các cơ chế thị trường liên quan nhằm thương mại hóa, thúc đẩy cạnh tranh các hoạt động và giao dịch của hệ thống điện.
Về giá điện, giá dịch vụ về điện và thị trường điện (Chương V): Đối với nội dung xóa bỏ bù chéo giá điện, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền là cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW. Hiện nay, giá bán lẻ điện đang áp dụng thống nhất toàn quốc, có bù chéo giá điện giữa các vùng miền. Đối với bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ thông qua xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phản ánh chi phí theo đặc điểm tiêu thụ điện gây ra cho hệ thống điện.
Một trong những nội dung rất đáng chú ý của Luật Điện lực (sửa đổi) là tại Điều 41 quy định về việc mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ, ví dụ như việc mua bán bán thông qua hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện giữa các bên bán điện và bên mua điện.
Điều 45 của luật cũng làm rõ các nội dung trong hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện… khoản 6 trong Điều 45 nói rõ, Chính phủ quy định về điều kiện, lộ trình hình thành và phát triển, cơ chế vận hành của thị trường điện kỳ hạn phù hợp với các yêu cầu về đảm bảo an ninh cung cấp điện, cấp độ thị trường điện cạnh tranh và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Năng lượng tái tạo, năng lượng mới được tạo động lực phát triển
Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 được thông qua với 6 nhóm nội dung chính, gồm quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện; quản lý, vận hành hệ thống điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Riêng với phát triển dự án điện gió ngoài khơi hiện còn một số khó khăn lớn. Đó là sự chưa thống nhất trong các quy định pháp luật về quản lý hoạt động trên biển, yêu cầu đầu tư vốn lớn, cũng như vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Do đó cần sớm có khung pháp lý toàn diện để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai thực hiện. Trong đó, luật sẽ quy định khung phát triển điện gió ngoài khơi để giải quyết những vấn đề mang tính đặc thù và giao Chính phủ quy định cụ thể theo thẩm quyền, nên không nhất quyết xây dựng nghị quyết thí điểm.
Đối với điện gió ngoài khơi, luật quy định dự án điện gió trên biển thuộc vùng biển Việt Nam gồm dự án điện gió gần bờ và dự án điện gió ngoài khơi. Cùng đó, các nội dung quy định về chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi được loại bỏ.
Điểm đáng chú ý là chính sách phát triển điện hạt nhân, luật được thông qua chỉ quy định chung về phát triển nguồn điện này. Các quy định cụ thể về nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo pháp luật về năng lượng nguyên tử và các quy định khác. Luật cũng bỏ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù phát triển điện hạt nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhận xét: Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất chỉnh lý các nội dung liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là các đạo luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 về quy hoạch, đầu tư và đấu thầu.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực (Điều 5), đối với phát triển điện hạt nhân, UBTVQH cho rằng, chính sách quy định cụ thể về đầu tư, xây dựng dự án điện hạt nhân đã được quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử. Do vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, thống nhất với ý kiến Chính phủ chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Chỉ quy định chung về quy hoạch phát triển điện hạt nhân. Các quy định cụ thể về nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo pháp luật về năng lượng nguyên tử. Các quy định khác của pháp luật có liên quan và đã thể hiện tại khoản 10 Điều 5 dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý.
Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm các nội dung trong dự thảo Luật không quy định hoặc có quy định liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo đang thuộc diện thanh kiểm tra, điều tra, không hợp thức hóa sai phạm. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định tại Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ Điều 20 đến Điều 29), bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua cho thấy việc đã kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.