Quốc hội yêu cầu sớm đề xuất mức thuế cao hơn với người nhiều nhà đất
Quốc hội giao Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang...
Gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn
Với đa số phiếu đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015-2023.
Nghị quyết nêu rõ, trong giai đoạn 2015-2023, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ; tình trạng chậm định giá đất diễn ra ở nhiều địa phương, là vướng mắc chính dẫn đến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ.
Một số địa phương còn vi phạm pháp luật trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… Chi phí tài chính do vay tín dụng trong giá thành bất động sản còn cao, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thị trường bất động sản cho thấy, giai đoạn 2022 - 2023, thị trường bất động sản suy giảm; nguồn cung giảm mạnh so với giai đoạn trước; giá bất động sản tăng cao gấp nhiều lần so với mức tăng thu nhập trung bình của đa số người dân;
Về phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), giai đoạn 2015-2023, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phát triển NƠXH, thể chế hóa quan điểm đổi mới của Đảng về nhà ở, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển.
Bên cạnh các kết quả đạt được, hệ thống pháp luật về NƠXH có hiệu lực thi hành trong giai đoạn 2015-2023 còn thiếu tính ổn định; một số quy định pháp luật về phát triển NƠXH chưa được hướng dẫn cụ thể.
Nhiều mục tiêu về phát triển NƠXH trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 không đạt được.
Nguồn cung NƠXH còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp, khó khả thi.
Quy trình, thủ tục cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn phức tạp, trùng lặp; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay NƠXH của các ngân hàng thương mại nhà nước tỷ lệ giải ngân chưa cao, chưa đủ hấp dẫn, chưa phát huy tác dụng trong việc thu hút, khuyến khích chủ đầu tư, người mua NƠXH tiếp cận gói tín dụng này.
Việc thực hiện quy định phải bố trí quỹ đất 20% để phát triển NƠXH trong dự án nhà ở thương mại còn một số bất cập, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa phù hợp.
Kiên quyết xử lý dự án được giao đất nhưng chậm tiến độ
Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường bất động sản, tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo để kịp thời có biện pháp điều tiết, lành mạnh hóa thị trường trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường, bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững, ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế, gây hệ lụy về mặt xã hội.
Có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.
Có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo "sốt" giá.
Sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Cùng với đó kiên quyết xử lý đối với các trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, chủ đầu tư năng lực yếu kém, không có khả năng hoàn thành.
Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tính hệ thống, thống nhất giữa các quy hoạch, bảo đảm tính định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị và nông thôn.
Nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở, chất lượng thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án đầu tư bất động sản, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước - người dân - doanh nghiệp, bảo đảm định hướng phát triển nhà ở đồng bộ, liên thông, kết nối với công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của đa số người dân.
Đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương.
Ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng NƠXH phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và quy hoạch sử dụng đất của địa phương trong từng thời kỳ.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời phát hiện yếu kém, vướng mắc, hạn chế trong thi hành pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển NƠXH.
Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng NƠXH, việc xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH.
Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, chủ đầu tư năng lực yếu kém, không có khả năng hoàn thành, hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.