Quốc kế, dân sinh làm nóng nghị trường
102 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn các bộ trưởng, lãnh đạo Chính phủ trong 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 10, tập trung vào những vấn đề cử tri cả nước quan tâm
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi về các vấn đề nóng đang được cử tri quan tâm.
Tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Bên ngoài sóng to gió lớn chúng ta phải "bao đê cho chặt". Chúng ta đã thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ người nhập cảnh, không chỉ những người nhập cảnh trái phép, mà nhất là những người nhập cảnh hợp pháp".
Theo Phó Thủ tướng, đến nay, chúng ta đã cho nhập cảnh khoảng 200.000 người là chuyên gia, lao động nước ngoài cần thiết cho phát triển kinh tế trong nước và người Việt Nam, chủ yếu là học sinh, sinh viên, ở các nước có dịch rất cao, phải kiểm soát rất chặt. Căn cơ hơn nữa ở bên trong chúng ta phải chung sống an toàn với dịch bệnh bằng những giải pháp rất căn bản như khuyến cáo "5 K" của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế). Tất cả các cơ sở, đầu tiên là cơ sở y tế, các nhà dưỡng lão, các trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng… phải thực hiện đầy đủ quy định bảo đảm an toàn dịch.
Về nghiên cứu, phát triển vắc-xin, Phó Thủ tướng cho biết trong số 4 đơn vị đang nghiên cứu vắc-xin của Việt Nam thì có 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người. Nếu thuận lợi thì nhanh nhất đến cuối năm 2021 chúng ta mới sản xuất được vắc-xin.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay mua vắc-xin nước ngoài cũng không kém phần khó khăn. Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Vắc-xin toàn cầu đã lập ra một chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tham vọng có thể cung cấp vắc-xin giá rẻ, nhưng hiện chưa có công ty sản xuất vắc-xin nào cam kết bán cho chương trình này. "Chúng tôi đã đưa lên bản đồ số chung sống an toàn với Covid-19, như vậy sẽ có hàng triệu cơ sở như vậy phải tự chấm điểm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Màu xanh thì tiếp tục được hoạt động. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài ít nhất đến năm 2021" - Phó Thủ tướng nói.
Ủng hộ phát triển thủy điện nhỏ?
Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH chất vấn liên quan đến các lĩnh vực bộ quản lý.
ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai), tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà: "Bộ trưởng nói thủy điện nhỏ không có lỗi trong vụ bão lũ, sạt lở ở miền Trung những ngày qua mà do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Vậy bộ trưởng cho biết thời gian tới bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng phát triển thủy điện nhỏ?".
Trả lời câu hỏi này cùng hàng loạt vấn đề mà nữ ĐBQH tỉnh Gia Lai đặt ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rằng thủy điện không phải là nguyên nhân mà thủy điện là hậu quả do việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên không dựa vào quy luật tự nhiên. Việc này chúng ta có thể khắc phục được. Cũng theo bộ trưởng, mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện. Mất rừng còn do chúng ta có tư duy sai trái, trong nhà dùng toàn đồ gỗ. Thủy điện cũng không phải là nguyên nhân chính gây ra mất rừng, mất rừng chính là người ta đã thay thế rừng bằng những cánh rừng sản xuất bình thường, như cây cà phê... Bộ trưởng bày tỏ thêm: "Từ góc độ này, với tư cách là người làm quản lý môi trường, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét rà soát từng mét đất nếu chuyển từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng".
Cuối phiên làm việc buổi chiều, báo cáo giải trình trước QH, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường, đặc biệt là bão lũ và sạt lở đất đang là thách thức lớn với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó châu Á là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ở nước ta, mưa lũ, sạt lở đất ở nhiều nơi.
Về độ che phủ rừng, theo Phó Thủ tướng, năm 1945, rừng Việt Nam chiếm khoảng 43% thì đến năm 1995 chỉ còn 28%, đến nay độ che phủ rừng của Việt Nam đã đạt trên 41% và đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ; cao hơn độ che phủ rừng của một số nước trong khu vực (Trung Quốc 28%, Thái Lan 21%...) và cao hơn nhiều mức bình quân che phủ rừng của thế giới xấp xỉ 3%.
Tuy nhiên, chất lượng rừng của nước ta còn thấp, do thời gian dài rừng tự nhiên bị phá để phát triển kinh tế, còn rừng trồng mới chất lượng không cao. Thêm vào đó là tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, đặc biệt là tình trạng phá rừng.
Phó Thủ tướng nêu rõ trong 9 nhiệm vụ, giải pháp lớn trong thời gian tới, phải hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/quoc-ke-dan-sinh-lam-nong-nghi-truong-20201106233018539.htm