Quy định mới về đăng ký cư trú
Từ ngày 10-1-2025, nhiều quy định mới về đăng ký cư trú sẽ được triển khai. Chẳng hạn như: không bắt buộc phải nộp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân khi thực hiện đăng ký cư trú, đăng ký thường trú cho trẻ trong 60 ngày kể từ khi đăng ký khai sinh…
Đây là một trong những quy định mới tại Nghị định 154/2024/NĐ-CP ngày 26-11-2024 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Cư trú năm 2020 (gọi tắt là Nghị định 154). Phóng viên Báo Đồng Nai đã trao đổi với luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, về những điểm mới đáng chú ý của nghị định này.
* Tới đây, theo Nghị định 154, các hồ sơ giấy tờ về đăng ký cư trú sẽ được cắt giảm ra sao, thưa ông?
- Theo quy định hiện hành, người dân bắt buộc phải nộp các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp, quan hệ nhân thân khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú. Tuy nhiên, từ ngày 10-1-2025, công dân có thể chỉ cần cung cấp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp cho cơ quan đăng ký cư trú khi nộp hồ sơ đăng ký cư trú (quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định 154). Tương tự, công dân cũng không bắt buộc phải nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân khi đăng ký cư trú (quy định tại Điều 6 Nghị định 154), mà chỉ cần cung cấp thông tin về quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình cho cơ quan đăng ký cư trú.
Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm khai thác các thông tin liên quan trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
* Theo quy định, việc đăng ký cư trú phải lấy ý kiến của chủ sở hữu chỗ ở. Trường hợp có nhiều chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu bị mất năng lực hành vi dân sự… thì phải làm sao?
- Nội dung này Nghị định 154 nêu rất cụ thể. Theo đó, đối với trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình mà chỗ ở đó có nhiều chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.
Trường hợp đăng ký thường trú vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con mà chỗ ở hợp pháp có nhiều chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.
Trường hợp đăng ký thường trú không thuộc trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con mà chỗ ở hợp pháp có nhiều chủ sở hữu phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền theo quy định.
Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của người bị mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định.
Theo Nghị định 154, trường hợp khi công dân đăng ký cư trú nhưng không khai thác được thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp, thông tin về quan hệ nhân thân trong cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin hoặc ứng dụng định danh quốc gia thì công dân mới cần cung cấp bản sao, bản chụp, bản điện tử một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp khi cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu.
* Việc đăng ký cư trú cho trẻ vị thành niên được quy định ra sao, thưa ông?
- Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, tạm trú tại nơi thường trú, tạm trú của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, tạm trú tại nơi thường trú, tạm trú không phải của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Trường hợp người chưa thành niên được tòa án quyết định giao cho cha hoặc mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng thì người được giao chăm sóc, nuôi dưỡng kê khai, xác nhận ý kiến vào tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh thì cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên. Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên có nơi thường trú nhưng không phải nơi đang sinh sống thì người chưa thành niên được đăng ký thường trú tại nơi thường trú của cha, mẹ.
Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên không có cả nơi thường trú, tạm trú thì thực hiện khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên theo quy định của người không có nơi thường trú, tạm trú.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202412/quy-dinh-moi-ve-dang-ky-cu-tru-0e872f9/