Quỹ Tiền tệ Quốc tế cân nhắc điều chỉnh dự báo toàn cầu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo rằng các rủi ro liên quan đến căng thẳng thương mại tiếp tục làm lu mờ triển vọng kinh tế toàn cầu, sự bất định vẫn ở mức cao dù có một số dấu hiệu tăng trưởng thương mại và cải thiện điều kiện tài chính.
Phó tổng giám đốc thứ nhất của IMF, bà Gita Gopinath cho biết, quỹ sẽ cập nhật dự báo toàn cầu vào cuối tháng 7, dựa trên xu hướng "tăng nhập khẩu trước khi thuế quan tăng" và một số hoạt động chuyển hướng thương mại, cùng với cải thiện điều kiện tài chính và dấu hiệu lạm phát tiếp tục giảm.

Phó tổng giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath.
Hồi tháng 4, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho Hoa Kỳ, Trung Quốc và hầu hết các quốc gia, viện dẫn tác động của các mức thuế nhập khẩu của Mỹ, hiện ở mức cao nhất trong 100 năm, đồng thời cảnh báo rằng căng thẳng thương mại gia tăng sẽ làm chậm tăng trưởng hơn nữa.
Khi đó, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 0,5 điểm phần trăm còn 2,8% cho năm 2025 và giảm 0,3 điểm phần trăm còn 3% cho năm 2026. Các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ có một điều chỉnh tăng nhẹ khi IMF công bố dự báo cập nhật vào cuối tháng 7.
Bà Gopinath đã nói với các quan chức tài chính từ Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) họp tại Nam Phi trong tuần này rằng, căng thẳng thương mại tiếp tục làm phức tạp triển vọng kinh tế. "Dù chúng tôi sẽ cập nhật dự báo toàn cầu vào cuối tháng 7, các rủi ro tiêu cực vẫn chiếm ưu thế và sự bất định vẫn cao", bà Gopinath nói trong bài phát biểu trước nhóm G20.
Bà Gopinath đã kêu gọi các quốc gia giải quyết căng thẳng thương mại và thực hiện các thay đổi chính sách để xử lý những mất cân đối nội tại, bao gồm giảm chi tiêu tài khóa và đưa nợ công vào quỹ đạo bền vững. Bà Gopinath cũng nhấn mạnh rằng các quan chức chính sách tiền tệ cần cân nhắc kỹ lưỡng các quyết định phù hợp với tình hình cụ thể của từng quốc gia, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ tính độc lập của ngân hàng trung ương - một chủ đề chính trong thông cáo của G20.
Theo bà Gopinath, dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn chậm, nhưng khá bền bỉ trước sự gia tăng bất định chính sách và biến động thị trường. Tuy nhiên, điều kiện tài chính vẫn còn thắt chặt đối với nhiều nước đi vay.
Đối với các quốc gia có mức nợ không bền vững, bà Gopinath nhấn mạnh cần có những hành động chủ động, lặp lại lời kêu gọi của IMF về các cơ chế tái cơ cấu nợ kịp thời và hiệu quả. Bà Gopinath cho rằng cần thêm nỗ lực để giải quyết vấn đề này, bao gồm việc cho phép các quốc gia thu nhập trung bình tiếp cận Khung chung về Tái cơ cấu Nợ của G20.
Hôm qua, IMF đã thông báo hoàn tất đợt đánh giá thứ hai đối với Chương trình Tín dụng Mở rộng (Extended Fund Facility) của Ecuador và phê duyệt việc tăng thêm khoảng 1 tỷ USD cho chương trình này. Việc phê duyệt này cho phép Ecuador ngay lập tức tiếp cận khoảng 600 triệu USD. Tổng mức hỗ trợ của chương trình dành cho Ecuador đã được nâng từ 4 tỷ USD lên 5 tỷ USD.
"Dù đối mặt với nhiều khó khăn, chính quyền Ecuador đã thành công trong việc huy động nguồn thu ngoài dầu mỏ, củng cố các khoản dự phòng tài chính và ngoại hối, đồng thời xóa nợ nội địa trong khi vẫn bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương", Phó tổng giám đốc IMF Nigel Clarke cho biết.