Quyền lợi của người tham gia BHYT chuyển tiếp thế nào khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp?

Người tham gia BHYT được cấp có thẩm quyền xác định thuộc đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT trước ngày 1/7/2025 mà thay đổi đối tượng thì được hưởng chế độ, quyền lợi cho đến khi hết thời hạn hiệu lực của văn bản hoặc khi được xác định lại đối tượng theo văn bản mới...

Nghị định số 188/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT có quy định các điều khoản chuyển tiếp trong giai đoạn thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập khi triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế cho hay, Nghị định đã quy định những nội dung thay đổi trong giai đoạn thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập khi triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp thì các nội dung sau được tiếp tục triển khai thực hiện, cụ thể:

Người tham gia BHYT được cấp có thẩm quyền xác định thuộc đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT trước ngày Nghị định này có hiệu lực (1/7/2025) mà thay đổi đối tượng tiếp tục được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT và được hưởng quyền lợi theo đối tượng đã được xác định tại văn bản của cấp có thẩm quyền cho đến khi hết thời hạn hiệu lực của văn bản hoặc khi được xác định lại đối tượng theo văn bản mới.

Tính đến hết tháng 6/2025, toàn quốc có 12.617 cơ sở y tế có tổ chức khám chữa bệnh BHYT.

Tính đến hết tháng 6/2025, toàn quốc có 12.617 cơ sở y tế có tổ chức khám chữa bệnh BHYT.

Các đối tượng tham gia BHYTvà hồ sơ liên quan đến việc lập danh sách đối tượng tham gia BHYT đang được các cơ quan cấp huyện giải quyết được chuyển cho ủy ban nhân dân cấp xã để tiếp tục thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực cho đến khi có văn bản mới được ban hành.

Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi được sắp xếp lại theo tên gọi mới tiếp tục được áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 của Luật BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Nghị định 188 cũng nêu rõ, đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục thực hiện một số nội dung sau đây đến hết ngày 31/12/2025:

Được tiếp tục sử dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được cấp có thẩm quyền quy định, phê duyệt đến khi được cấp có thẩm quyền quy định, phê duyệt giá cho các cơ sở mới;

Các giấy phép hoạt động đã được cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục được sử dụng cho các cơ sở cũ và mới để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và duy trì hiệu lực của hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được ký cho đến khi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho cơ sở mới theo giấy phép hoạt động mới;

Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu của người tham gia BHYT và số lượng thẻ BHYT đã phân bổ cho các cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu được tiếp tục sử dụng cho cơ sở mới đến khi có hướng dẫn của Sở Y tế;

Mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, con dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, con dấu của cơ sở đứng tên ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT trước ngày được sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, thay đổi tên gọi được tiếp tục sử dụng đến khi cơ sở mới được cấp mã mới, con dấu mới; Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị thu hồi con dấu cũ mà chưa được cấp con dấu mới thì được phép hoàn thiện thủ tục sau khi có con dấu mới;

Thẻ BHYT và các thông tin thẻ BHYT có nội dung thay đổi được tiếp tục sử dụng đến khi được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh;

Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT khẳng định, những quy định điều khoản chuyển tiếp nêu trên bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, tính liên tục trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT từ đó bảo đảm ổn định hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong giai đoạn thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập khi triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Tính đến hết tháng 6/2025, toàn quốc có 12.617 cơ sở y tế có tổ chức khám chữa bệnh BHYT với 2.703 cơ sở đầu mối ký hợp đồng.

Tổng cộng đã có 94.730.851 lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng hơn 6,5 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước; với số chi BHYT hơn 76 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,43% dự toán chi khám chữa bệnh trong năm. Trong đó, tháng 3 và tháng 4 có số chi cao nhất, lần lượt là 13.938 tỷ và 13.877,5 tỷ.

Trong bối cảnh triển khai thực hiện chính sách BHYT theo chức năng, mô hình tổ chức bộ máy mới, ngành y tế đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện, phổ biến Nghị định 188 đến các cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị liên quan trong ngành, cùng đó đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quyen-loi-cua-nguoi-tham-gia-bhyt-chuyen-tiep-the-nao-khi-thuc-hien-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-169250719110243897.htm