Quyết định của TAND TP Thủ Đức vụ Đồi Cù Đà Lạt gây tranh cãi

Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP Thủ Đức có nội dung yêu cầu cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản là tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt.

Liên quan việc dừng cưỡng chế hai công trình thuộc dự án xây dựng sai phép, không phép tại dự án Tòa nhà CLB Golf (đường Đinh Tiên Hoàng), có việc chủ đầu tư đưa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP Thủ Đức "Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp" quy định tại Điều 122 của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.

Phải dừng cưỡng chế

Theo đó, quyết định này yêu cầu cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản là tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt tại thửa đất số 01, Tờ Bản đồ 17, vị trí khu vực tiếp giáp đường Đinh Tiên Hoàng, phường 1, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Quyết định này được áp dụng cho đến khi có quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền thay đổi; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Tòa nhà CLB Golf trong sân golf Đồi Cù. Ảnh: Trường Nguyên

Tòa nhà CLB Golf trong sân golf Đồi Cù. Ảnh: Trường Nguyên

Quyết định do thẩm phán Danh Đời ký và được chuyển đến VKSND TP Thủ Đức, Chi cục THADS TP Thủ Đức; UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Quyết định nêu rõ sau khi xem xét Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp" của Công ty TNHH Văn Lan (trụ sở tại TP Thủ Đức, TP HCM), là nguyên đơn trong vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý ngày 7-6 về việc "Tranh chấp hợp đồng thi công".

Trong đó, Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL (trụ sở tại TP Đà Lạt) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan, TAND TP Thủ Đức xét thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cần thiết để bảo về chứng cứ, bảo vệ tình trạng hiện có của tài sản liên quan đến vụ án là tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt.

Việc áp dụng này còn tránh giây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ, thực hiện các thủ tục tố tụng.

Trước đó, sáng 17-7, cơ quan chức năng phường 1, TP Đà Lạt có mặt tại dự án Tòa nhà CLB Golf (đường Đinh Tiên Hoàng) để vào bên trong thực hiện việc cưỡng chế hai công trình thuộc dự án xây dựng sai phép, không phép.

Lực lượng được huy động gần 100 người thuộc các cơ quan chức năng như UBND phường 1, UBND TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các đơn vị như y tế, công an, dân quân vào bên trong dự án… Tuy nhiên, sau đó việc cưỡng chế phải dừng lại vì chủ đầu tư đưa ra quyết định trên.

Khi nào TAND ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) phân tích Khoản 2 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 3 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP quy định: Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện khi có một trong các căn cứ sau đây: Do tình thế khẩn cấp, cần được giải quyết ngay; Cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được; Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (hậu quả về vật chất hoặc về tinh thần).

Tòa án chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.

TAND TP Thủ Đức ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 16/2024/QĐ-BPKCTT ngày 16-7-2024 cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp và được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó là đúng với thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, việc này đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau. Cụ thể, quyết định cưỡng chế là quyết định hành chính thì chỉ có Luật Tố tụng hành chính mới điều chỉnh. Nghĩa là các bên liên quan trong vụ án hành chính mới có quyền yêu cầu.

Đây là vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, là giữa các cá nhân, tổ chức với nhau. Quyết định hành chính không thuộc phạm vi điều chỉnh của các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại...

Liên quan đến vụ việc, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP Thủ Đức nhưng ông Vinh từ chối trả lời và khẳng định quyền phát ngôn thuộc về Chánh án TAND TP HCM. Phóng viên liên hệ với ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP HCM nhưng điện thoại liên tục báo bận...

PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quyet-dinh-ap-dung-bien-phap-khan-cap-tam-thoi-cua-tand-tp-thu-duc-gay-tranh-cai-1962407181553506.htm